Việt Nam nỗ lực đổi mới chính sách bảo hiểm y tế
BHYT là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, thực hiện mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tỷ lệ bao phủ BHYT đang đạt kết quả rất tích cực |
Chính sách BHYT được Việt Nam thực hiện từ năm 1992. Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam đã tăng từ 57% dân số vào năm 2009 lên 91% vào năm 2021 và tiến dần tới mục tiêu BHYT toàn dân.
Trong giai đoạn 2008-2018, trung bình mỗi năm có 132 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí bình quân 47,5 nghìn tỷ đồng/năm. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm có trên 170 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí bình quân khoảng 100 nghìn tỷ đồng/năm. Nguồn quỹ BHYT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu y tế.
Tại tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm toàn cầu về xây dựng Luật BHYT” mới đây do BHXH Việt Nam phối hợp cùng Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Pharma Group) tổ chức, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Phạm Lương Sơn cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình triển khai Luật BHYT tại Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, Việt Nam đang đối mặt tốc độ già hóa dân số nhanh, mô hình bệnh tật thay đổi, y học ngày càng phát triển.
Đặc biệt, với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quá trình thực hiện BHYT tại Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, chính sách BHYT cần thiết phải được điều chỉnh để giải quyết những khó khăn hiện tại cũng như phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Trước các vấn đề đang đặt ra, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế luôn là ưu tiên của BHXH Việt Nam trong việc xây dựng chính sách nói chung và tổ chức thực hiện chính sách BHYT nói riêng.
Ông Emin Turan, Phó Chủ tịch và Phụ trách nhóm công tác tài chính y tế, Pharma Group đánh giá, việc sửa đổi kịp thời Luật BHYT là một cơ hội để Việt Nam xây dựng các chính sách quản lý và duy trì hiệu quả cơ chế tài chính công trong công tác chăm sóc sức khỏe, cũng như tăng cường và mở rộng khả năng tiếp cận, lựa chọn các phương pháp điều trị mới, an toàn và hiệu quả.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và các chuyên gia quốc tế đã cùng chia sẻ và thảo luận về những kinh nghiệm quốc tế tốt nhất, cũng như cung cấp các tài liệu tham khảo có giá trị cho công tác sửa đổi Luật BHXH. Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm là việc thực hiện gói BHYT bổ sung, dự kiến khái niệm này sẽ đưa vào Luật BHYT (sửa đổi).
Theo bà Barbara Dinh, Phụ trách nhóm công tác Tài chính y tế, Pharma Group, loại hình BHYT bổ sung không phải là một khái niệm mới, nhưng có thể có sự khác nhau trong việc triển khai giữa các quốc gia tùy thuộc vào dữ liệu nhân khẩu học và các yếu tố khác. Việc xem xét đưa vào áp dụng mô hình này thông qua việc sửa đổi Luật BHYT lần này thể hiện nỗ lực đổi mới chính sách BHYT của Chính phủ Việt Nam.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác xây dựng chính sách BHYT tại Việt Nam, ông Emin Turan khuyến nghị, BHYT toàn dân tại Việt Nam cho đến nay là một trong những mô hình thành công trong khu vực. Tuy nhiên một số mô hình mới có thể giúp gia tăng hơn nữa khả năng tiếp cận thuốc và phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, chất lượng cao cũng như giảm chi tiêu từ túi tiền người dân. Vì thế, Chính phủ Việt Nam xem xét, xây dựng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển thành công các mô hình này.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, thông qua các ý kiến góp ý sẽ củng cố thêm quyết tâm chính trị và quyết tâm của BHXH Việt Nam về sự cần thiết có sự thay đổi mang tính đột biến trong thực hiện BHYT. Đầu tiên là thay đổi về mô hình quản lý tài chính BHYT, thứ hai là sự cần thiết về gói BHYT bổ sung, để qua đó đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và tăng độ bao phủ BHYT.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, định hướng là làm sao giảm tỷ lệ đóng góp từ tiền túi người dân một cách thấp nhất có thể; không có sự chồng chéo giữa gói dịch vụ y tế (DVYT) cơ bản và gói BHYT bổ sung. "Dự kiến Luật BHYT (sửa đổi) sẽ đưa vào gói dự phòng, khám sàng lọc chẩn đoán sớm, trong đó quan tâm đến 3 nhóm bệnh là: Nhóm ung thư, nhóm bệnh lao, nhóm bệnh mãn tính không lây nhiễm- với mục tiêu phát hiện bệnh sớm, sàng lọc sớm, điều trị sớm…”- ông Sơn cho hay.
Với vai trò trong ngành công nghiệp sáng tạo, đại diện Pharma Group cho hay, đơn vị này cam kết chia sẻ các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu về chủ đề tài chính y tế, dựa trên cơ sở và bằng chứng khoa học, nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người dân.
Về định hướng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực BHYT, một trong những mục tiêu của Pharma Group là tập trung vào tài chính y tế với hướng tiếp cận dựa trên giá trị đối với các giải pháp về tài chính y tế, cũng như tìm kiếm những cơ chế tài chính bổ sung.
Luật BHYT được ban hành năm 2008 và sửa đổi, bổ sung năm 2014. Luật BHYT đang trong quá trình sửa đổi cũng đòi hỏi tìm kiếm các giải pháp bền vững về tài chính để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của người dân. Việc sửa đổi Luật BHYT lần này sẽ hướng tới mục tiêu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và xu thế phát triển. |