Thứ năm 19/12/2024 05:44

Việt Nam nhận quyền trượng đăng cai tổ chức FWC 2025

Sự kiện FWC 2024 vừa tổ chức tại Panama, đại diện Việt Nam là VLA đã chính thức nhận quyền trượng để tổ chức FWC 2025 vào tháng 10/2025, tại Hà Nội.

Tìm kiếm giải pháp cho chuỗi cung ứng ngành logistics bền vững

Đại hội thế giới Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA World Congress - FWC) 2024 vừa được khai mạc tại thành phố Panama (Panama). Với chương trình nghị sự quan trọng và loạt hoạt động triển lãm, B2B, sự kiện là nơi tập hợp của hơn 800 doanh nhân, doanh nghiệp là nhà lãnh đạo và các chuyên gia từ các ngành logistics chia sẻ kiến ​​thức và thúc đẩy sự hợp tác.

Tham dự FWC 2024, đại diện Việt Nam, Đoàn giao dịch thương mại ngành logistics tại Panama do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) chủ trì tổ chức với 25 thành viên đoàn. Ảnh: Thy Hằng

Tham dự FWC 2024, đại diện Việt Nam, Đoàn giao dịch thương mại ngành logistics tại Panama do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) chủ trì tổ chức với 25 thành viên đoàn.

Trưởng đoàn Việt Nam, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch VLA - nhấn mạnh, FWC 2024 là cơ hội với các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với hàng ngàn doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới. Đặc biệt, sự kiện được tổ chức tại Panama, nơi sở hữu một trong hai kênh đào huyết mạch của thế giới cũng là cơ hội tìm hiểu thú vị cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Panama cũng như tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt các thách thức về chi phí cao, thách thức trong vận tải đa phương thức, tính thiếu bền bỉ của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như những “cú sốc” của các chuỗi cung ứng phức tạp,… Thực tế này dẫn tới một số xu hướng như đưa hàng hoá về điểm gần hơn, các quốc gia có chính sách tương đồng.

Vấn đề biến đổi khí hậu cũng được các doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp logistics phải xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, vừa nhanh, vừa phải “kinh tế” và bền vững. Do đó, Đại hội FWC 2024 còn là nơi các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ tìm kiếm giải pháp cho chuỗi cung ứng ngành logistics bền vững và hiệu quả thông qua các phiên thảo luận, hội thảo chuyên đề.

Cũng theo ông Đào Trọng Khoa, FWC 2024 cũng là dịp để Việt Nam quảng bá về FWC 2025 sẽ được VLA đăng cai tổ chức tại Hà Nội, tháng 10/2025. “Các doanh nghiệp, hiệp hội bạn đều bày tỏ mong muốn tham dự FWC 2025 tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác tại thị trường nhiều tiềm năng như châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Du lịch và các điểm đến hấp dẫn của chúng ta cũng có thể là điều thu hút lượng doanh nghiệp tham dự lớn. Lãnh đạo FITA và VLA kỳ vọng Đại hội tổ chức tại Việt Nam sẽ đạt kỷ lục về số người tham dự, tạo ra cơ hội kết nối logistics, thương mại, xuất nhập khẩu lớn cho Việt Nam và khu vực”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.

Việt Nam nhận quyền trượng đăng cai tổ chức FWC 2025

Đặc biệt, tại FWC 2024, đại diện Việt Nam là VLA đã nhận quyền trượng để tổ chức FWC 2025 tại Hà Nội, từ ngày 6 - 10/10/2025.

Ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch VLA - phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thy Hằng

Phát biểu tại lễ nhận quyền trượng, ông Đào Trọng Khoa gửi lời mời các đại biểu tới tham dự FWC 2025 và trải nghiệm nền kinh tế năng động, đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam.

Việt Nam với dự báo tăng trưởng GDP trên 6% vào năm 2024 và vị trí chiến lược, Việt Nam là “cửa ngõ” của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thậm chí, với vị trí đặc biệt quan trọng trong dòng thương mại toàn cầu, Việt Nam được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics và thương mại của khu vực và thế giới.

đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định thương mại tự do

Với 19 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, thực thi và đang đàm phán, dự kiến ​​tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ vượt 15% vào năm tới, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Sự mở rộng thương mại này được hỗ trợ bởi ngành logistics Việt Nam, nơi có hơn 45.000 công ty đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với thế giới.

“Đồng thời, cam kết phát triển cơ sở hạ tầng của chúng tôi được thể hiện qua thành công của cảng Cái Mép, cảng được xếp hạng thứ 7 trong số các cảng container hiệu quả nhất thế giới vào năm 2023. Hệ sinh thái hậu cần mạnh mẽ của Việt Nam bổ sung cho vị thế là một trung tâm sản xuất hàng đầu của chúng tôi, với những “gã khổng lồ” toàn cầu như Samsung, LG, Intel và Foxconn chọn Việt Nam làm địa điểm hoạt động chính của họ”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Ngoài những thành tựu trong lĩnh vực logistics, ông Đào Trọng Khoa còn nhấn mạnh tới việc Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, bao gồm những sản phẩm nhiều “tỷ đô” như cà phê, thuỷ sản,…

Đặc biệt, giới thiệu về nét hấp dẫn khác của Việt Nam, Chủ tịch VLA chia sẻ, Việt Nam còn là một quốc gia có vẻ đẹp thiên nhiên, nền văn hóa phong phú và những trải nghiệm khó quên.

“Bạn sẽ kinh ngạc trước cảnh bình minh ngoạn mục trên vịnh Hạ Long, một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới, hay khám phá độ sâu đầy cảm hứng của hang Sơn Đoòng, nơi ranh giới giữa trời và đất dường như mờ đi, bạn sẽ thấy rằng Việt Nam mang đến những trải nghiệm không gì sánh bằng. Các thành phố sôi động của chúng tôi tràn đầy năng lượng, văn hóa và lịch sử. Hãy dành thời gian khám phá Thủ đô Hà Nội, thành phố ngàn năm văn hiến, nơi bạn có thể thưởng thức hương vị ẩm thực nổi tiếng thế giới của chúng tôi, như món "bún chả", nơi đã tiếp đón những biểu tượng của thế giới như Donald Trump và Joe Biden, một lời nhắc nhở về sự ấm áp và cởi mở mà chúng tôi chào đón thế giới”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Việt Nam nhận quyền trượng đăng cai tổ chức FWC 2025. Ảnh: Thy Hằng

Với chủ đề “logistics xanh và thích ứng nhanh”, FWC 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 6 - 10/10/2025 với các cuộc thảo luận quan trọng về tương lai của ngành logistics trong một thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình.

“Tính bền vững là ưu tiên cốt lõi của Việt Nam. Cam kết của chúng tôi về một tương lai không phát thải ròng đã được thể hiện trong cam kết tại COP26, và chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền kinh tế vừa xanh vừa bền vững. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ đề của Đại hội FWC 2025, khi chúng tôi nỗ lực đưa ngành logistics tiến tới một tương lai bền vững và có trách nhiệm hơn.

Việt Nam không chỉ là điểm đến cho doanh nghiệp logistics, đây là nơi các cơ hội nảy nở, các nền văn hóa kết nối và một tương lai tươi sáng hơn, bền vững hơn được xây dựng”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh. Đồng thời, bày tỏ mong muốn được chào đón các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các ngành logistics trên thế giới đến Hà Nội.

FWC 2025 do VLA đấu thầu giành quyền đăng cai từ năm 2017. Qua nhiều nỗ lực và những gián đoạn vì Covid-19, tới năm 2022, VLA chính thức giành quyền đăng cai FWC 2025 tại FWC 2022 tổ chức tại Hàn Quốc. Sau khi dành được vinh dự này, VLA đã nhanh chóng làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, khẩn trương chuẩn bị cho việc tổ chức đại hội.

Việc tổ chức FWC 2025 đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ Chính phủ và các Bộ ngành địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hai lần tiếp đoàn đại biểu Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải Quốc tế (FIATA) và VLA tại trụ sở Chính phủ vào năm 2023 và 2024, đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với sự kiện FWC 2025.

Lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đã gặp gỡ lãnh đạo FIATA và VLA bày tỏ sự ủng hộ tổ chức sự kiện thành công, hiệu quả tại Hà Nội.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: tăng trưởng kinh tế (GDP)

Tin cùng chuyên mục

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công

Rau quả tươi Việt Nam: Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển

Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024

Xuất khẩu dừa kỳ vọng vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024

Xuất khẩu hàng hóa: Cần nâng cao sức mạnh nội lực

Năm 2024, xuất khẩu da giày về đích với trên 26 tỷ USD

11 tháng, xuất khẩu ghi nhận mức tăng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN

Bộ Công Thương thu hồi mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt

11 tháng, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 384.719 tỷ đồng

Đắk Lắk: Hội thảo nâng cao cơ hội xuất khẩu hàng nông sản

Xuất khẩu sầu riêng dần chiếm ''miếng bánh'' thị phần tại Trung Quốc

Đà Nẵng: Doanh nghiệp tăng ca kịp xuất hàng trước năm mới 2025

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với 2024

Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ: Khuyến nghị từ các chuyên gia

Bộ Công Thương tìm cơ hội gia tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Xuất khẩu quế 11 tháng năm 2024 thu về gần 250 triệu USD