Việt Nam mong muốn hợp tác với Đức về nông nghiệp và đổi mới sáng tạo
Từ ngày 23-25/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác thăm và làm việc với các ban ngành Đức nhằm tiếp nối và cụ thể hóa các hoạt động hợp tác với nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tại buổi làm việc với bà Alina Grumpert, Giám đốc điều hành Liên minh Nông nghiệp Đức, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu một số lợi thế và khó khăn của nông nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất Liên minh Nông nghiệp Đức có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh; áp dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng nông sản.
Hội nghị bàn tròn Liên minh Nông nghiệp Đức và đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu, tại Berlin. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã và đang hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và toàn cầu. Năm ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam trong giai đoạn 2015-2021 là thủy sản, rau quả, hạt điều, gạo và càphê; trong đó xuất khẩu rau quả có tốc độ tăng trưởng hằng năm tăng mạnh nhất là 28%.
Mặc dù ngành nông nghiệp được coi là trụ đỡ của kinh tế của Việt Nam, đóng góp khoảng 14,85% GDP và tạo việc làm cho hơn 18,8 triệu người lao động vào năm 2020, trong đó hơn 10 triệu việc làm trong ngành chế biến nông sản, tuy nhiên tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn, dao động trong khoảng từ 5,6% (năm 2015) đến 6,3% (năm 2020).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này chỉ chiếm 0,96% tổng đầu tư nước ngoài.
Điều này cho thấy mức đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Lợi ích từ quá trình hội nhập mang lại cho nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, thể hiện qua việc nông sản Việt Nam vẫn nằm ở “vùng trũng” trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu ở khâu sản xuất, sơ chế.
Hiện tại, tùy theo từng ngành hàng, có đến 70-85% nông sản của Việt Nam vẫn được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị gia tăng thấp.
Tình trạng "được mùa, mất giá" vẫn diễn ra phổ biến, sản xuất manh mún, chất lượng của hàng nông sản thấp và chưa đồng đều, công nghệ chế biến lạc hậu, không đồng bộ, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao, dẫn đến cạnh tranh kém và bị ép giá trên thị trường quốc tế.
Chia sẻ với những khó khăn của Việt Nam, bà Grumpert cho biết trong bối cảnh nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ khác, việc nâng cao toàn bộ chuỗi giá trị là yếu tố cần thiết, không chỉ tập trung vào phân bón, thức ăn, chế biến, bảo quản hay thu hoạch...
Theo bà Grumpert, Đức là một nước có ngành nông nghiệp khá mạnh. Mặc dù chỉ có 2-3% dân số Đức làm việc trong ngành này, nhưng phần lớn diện tích nước Đức dùng cho nông nghiệp.
Trên cả chuỗi giá trị nông nghiệp, thực tế Đức còn mạnh hơn nhiều, từ công nghệ cho đến con người. Đức có một lực lượng nông dân được đào tạo khá bài bản.
Trong suốt thời gian qua, khi mà trải qua những biến động về kinh tế-xã hội, việc cả chuỗi giá trị này mạnh đã làm cho nền kinh tế Đức có sức chống chịu tốt. Đối với Đức, bất cứ chỗ nào trên toàn bộ chuỗi giá trị phải đủ mạnh, thì cả chuỗi giá trị mới hoạt động được.
Đề cập đến giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, ông Tobias Fausch, Giám đốc công nghệ thông tin của BayWa, một trong những tập đoàn lớn nhất của Đức về thương mại, logistic và dịch vụ cho các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng cho biết một trong những lợi thế lớn nhất hiện nay là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Việc thực thi EVFTA sẽ đem lại những cơ hội đặc biệt để tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên của EU, đặc biệt Đức - một trong những thị trường EU quan trọng bậc nhất đối với sản phẩm nông nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Vì vậy, việc xây dựng một hệ thống đàm thoại về thể chế, với những mức thuế tốt hơn sẽ có lợi cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam tiếp cận thị trường lớn.
Theo ông Tobias, việc tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế-xã hội-môi trường phù hợp cho nông nghiệp là hết sức cần thiết và cấp bách. Quá trình này cần được hỗ trợ từ những thay đổi khoa học-kỹ thuật như cơ giới hóa, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn...
Ông cho rằng phát triển mô hình theo chuỗi là giải pháp hiệu quả nhất nhất hiện nay, bởi trong nông nghiệp nếu chỉ trồng trọt và bán thô thì không thể nào đi xa hơn được. Nhìn vào các công nghệ mà thế giới đang làm, nếu muốn đạt được mục tiêu thì việc cần phải làm ngay lúc này là chuyển đổi số cũng như kết hợp cơ giới hóa. Kết quả của tất cả những quá trình này là sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp và phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Giám đốc điều hành Liên minh Nông nghiệp Đức Alina Grumpert ký Thỏa thuận ghi nhớ thiết lập khuôn khổ hợp tác chung dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ ba, từ trái sang) và Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh (thứ tư, từ trái sang). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Kết thúc làm việc, Liên minh Nông nghiệp Đức và các doanh nghiệp Đức đều bày tỏ sự ủng hộ và cam kết tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, phía Đức sẽ phối hợp đưa các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu mô hình chuyển đổi và ứng dụng công nghệ của Đức trong nông nghiệp. Đây cũng là một phần trong hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt Nam và Đức vốn đang phát triển tốt đẹp.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Đức, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đến thăm Công viên công nghệ cao Adlershof tại Berlin, thăm Tập đoàn bán dẫn Infineon, một trong 10 tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới của Đức.
Sáng 25/2, đoàn đã làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ bang Sachsen, ông Oliver Schenk, thảo luận về các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về lao động có tay nghề; hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và công nghệ cao; chuyển đổi nền kinh tế để đạt được các với mục tiêu bền vững (chuyển đổi năng lượng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng tái tạo; năng lượng hydro).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn ngài Oliver Schenk sẽ có tiếng nói để các doanh nghiệp trong lĩnh vực hydro của bang chia sẻ các kinh nghiệm, chuyển giao các nghiên cứu, quy trình sáng tạo trong lĩnh vực này cũng như hỗ trợ kết nối với các chuỗi giá trị hiện có./.