Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực từ năm 2016 và mang lại hiệu quả cao cho hợp tác kinh tế hai nước. Theo đó, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu tăng hơn 2 lần so với thời điểm trước khi FTA có hiệu lực.
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu tăng hơn 2 lần so với thời điểm trước khi FTA có hiệu lực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thương mại song phương vẫn tăng trưởng gần 18% đạt 5,2 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 bên vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng tốt: đạt hơn 4,75 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,8 tỷ USD, tăng 14,9%, nhập khẩu đạt 1,9 tỷ USD, tăng 9,8%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng phụ trách thương mại của Uỷ ban kinh tế Á - Âu Andrey Slepnev |
Tỷ lệ tận dụng ưu đãi của Hiệp định thông qua sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mẫu EAV) vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian vừa qua. 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã cấp 21.666 bộ C/O, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại buổi hội đàm, hai Bộ trưởng cho rằng mặc dù quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á- Âu thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển, đặc biệt khi hai nền kinh tế có hàng hóa, dịch vụ mang tính bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Đồng thời, hai bên cũng nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, cũng như tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương, nhằm tạo đột phá mạnh mẽ trên các lĩnh vực hợp tác quan trọng này.
Bộ trưởng Slepnev cho biết các doanh nghiệp EAEU đánh giá Việt Nam là địa điểm kinh doanh, đầu tư rất hấp dẫn, đồng thời là cửa ngõ để tiếp cận với khu vực ASEAN và vươn ra thế giới. Do đó, trong thời gian tới hai bên cần xem xét thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa những lĩnh vực hợp tác truyền thống, đồng thời nhanh chóng nắm bắt những cơ hội hợp tác mới trong những lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, hàng không, phương tiện giao thông vận tải, thương mại điện tử, thương mại số...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thống nhất với đánh giá của phía EAEU về kết quả thực thi hiệp định trong 5 năm qua và hoan nghênh các sáng kiến, đề xuất về các nội dung hợp tác mới Bộ trưởng Slepnev nêu ra trong khuôn khổ Hiệp định. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng trong bối cảnh thương mại thế giới và cơ cấu thương mại song phương đã thay đổi rất nhiều trong 5 năm qua, đặc biệt dưới tác động của đại dịch COVID-19, hai bên cần có cách tiếp cận mới để tháo gỡ các vấn đề thương mại song phương, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tận dụng hiệu quả và tối đa hóa lợi ích của Hiệp định.
Các bộ, ngành Việt Nam sẵn sàng cùng với các bộ, ngành đối tác trong Liên minh Kinh tế Á- Âu nghiêm túc rà soát các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Nga và Liên minh kinh tế Á - Âu tận dụng mọi cơ hội để phát triển thị trường, trên nguyên tắc “Thương mại hài hòa – Cân bằng lợi ích – Các bên cùng thắng”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vui mừng thông báo tới Bộ trưởng Slepnev việc Việt Nam và Liên bang Nga sẽ ký kết Nghị định thư (sửa đổi lần 2) Nghị định thư hợp tác về ô tô với Liên bang Nga, được đàm phán ký kết trên cơ sở quy định tại Điều 1.6 của Hiệp định thương mại tự do (dành cho các dự án đầu tư ưu tiên) nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng dành thời gian chia sẻ tầm nhìn về hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai bên trong 10 năm tới, trong đó nhấn mạnh cần tìm giải pháp mới tạo sự bứt phá trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên, theo đó Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu cần sớm trao đổi về lộ trình chung cải thiện FTA; khuyến khích doanh nghiệp của EAEU đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam trong những lĩnh vực mà Việt Nam rất cần như lĩnh vực năng lượng mới trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuyển đổi năng lượng để thực hiện các cam kết trong COP26; chuyển đổi số; phát triển công nghiệp có tính chất nền tảng như công nghiệp vật liệu, hóa chất, chế biến, chế tạo, điện tử… là những lĩnh vực Liên minh rất có lợi thế. Các dự án lớn như vậy sẽ tác động mạnh mẽ tới cán cân thương mại 2 bên theo chiều hướng tích cực. Kim ngạch thương mại song phương sẽ không chỉ dừng ở 10-15 tỷ USD mà sẽ gấp nhiều lần con số hiện tại. Bộ trưởng cho rằng một số biện pháp phòng vệ ngưỡng mà hai bên thỏa thuận tại Hiệp định từ năm 2016 nay không còn phù hợp với tình hình thị trường, năng lực phát triển của doanh nghiệp, cũng như không còn phù hợp với thông lệ thương mại quốc tế. Vì vậy hai bên cần mạnh dạn cùng nhau đưa biện pháp này ra khỏi Hiệp định. Thay vào đó phải tính tới các biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp của cả hai bên đẩy mạnh năng lực sản xuất và thương mại thì mới tạo ra được đột phá.
Kết thúc cuộc họp, hai bên thống nhất sẽ xem xét tổ chức Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định theo hình thức trực tiếp để bàn một cách tổng thể những chương trình hợp tác mới trong thời gian sớm nhất, dự kiến Quý I năm 2022, ngay khi điều kiện cho phép. Hai Bộ trưởng thống nhất giao cấp kỹ thuật hai bên tham vấn chuyên sâu trước kỳ họp Ủy ban hỗn hợp để giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại và đề xuất cụ thể các sáng kiến hợp tác mới.