Việt Nam là trọng tâm trong chính sách của Australia đối với khu vực Đông Nam Á
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Anthony Albanese trên cương vị Thủ tướng Australia. Tuy vậy Thủ tướng Australia Anthony Albanese là vị Thủ tướng thứ 3 của Australia có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 2/1973. Trước đó, Thủ tướng Paul Keating là vị Thủ tướng Australia đầu tiên thăm chính thức Việt Nam vào tháng 4/1994 và chuyến thăm chính thức Việt Nam thứ 2 là của Thủ tướng Scott Morrison vào tháng 8/2019.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Australia Anthony Albanese bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Campuchia năm 2022 |
Trong thông báo đưa ra về chuyến đi, Thủ tướng Albanese khẳng định “Việt Nam đang ngày càng trở thành đối tác quan trọng về kinh tế và chiến lược đối với Australia” trong khu vực Đông Nam Á và chuyến thăm chính thức tới Việt Nam lần này là “để kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và thống nhất các lĩnh vực hợp tác mới về kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác để đưa quan hệ hai nước vững mạnh hơn trong tương lai”.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV thường trú tại Australia, giáo sư Gordon Flake, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Perth Mỹ-Châu Á thuộc Đại học Tây Australia cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng Albanese tới Việt Nam không chỉ để tham dự hoạt động kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao mà “điều quan trọng hơn là chuyến đi cho thấy quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển hơn trong tương lai”. Giáo sư Gordon Flake cho hay, nếu theo dõi hoạt động hợp tác song phương thì có thể thấy rõ “hai nước đang ngày càng trở thành đối tác quan trọng của nhau trên cả khía cạnh chiến lược và kinh tế”.
Giáo sư Gordon Flake |
Trao đổi với phóng viên VOV thường trú tại Australia, ông Layton Pike, đồng sáng lập Viện nghiên cứu Chính sách Australia-Việt Nam cho biết, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Anthony Albanese rất quan trọng khi nó tạo cơ hội để các nhà lãnh đạo hai nước tăng cường kết nối và thảo luận về những vấn đề quan trọng trong mối quan hệ song phương. Ông Layton Pike nhấn mạnh, đây không phải là cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Albanese với các nhà lãnh đạo Việt Nam kể từ khi lên nắm quyền cách đây 1 năm. Trước đó ông cũng đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng….và chuyến đi này là một trong những biểu hiện rõ ràng cho thấy “Việt Nam là trọng tâm trong chính sách của Australia đối với khu vực Đông Nam Á”. Ông Layton Pike hy vọng, khi đến thăm Việt Nam lần này, Thủ tướng Albanese sẽ được “trực tiếp nhìn thấy, được hiểu hơn về Việt Nam, thấy được các nỗ lực của Việt Nam để thêm yêu đất nước Việt Nam ngày nay”.
Không chỉ có quan hệ chặt chẽ giữa các nhà lãnh đạo, Australia và Việt Nam đang ngày càng gần gũi và hợp tác hiệu quả hơn trong tất cả các lĩnh vực từ an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ, kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, du lịch…Trong đó, đặc biệt quan hệ thương mại đã phát triển vô cùng mạnh mẽ, với kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 15,7 tỷ USD trong năm 2020, đạt mục tiêu đưa hai nước trở thành một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
Ông Layton Pike, đồng sáng lập Viện nghiên cứu Chính sách Australia-Việt Nam |
Về đầu tư, Australia hiện đang là 1 trong 20 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam song giá trị thực tế còn rất khiêm tốn với tổng đầu tư vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ít hơn 0,1% tổng vốn đầu tư trực tiếp của Australia ra nước ngoài. Trong bối cảnh này, Việt Nam cho rằng giữa hai nước còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hoạt động đầu tư giữa hai bên.
Ông Layton Pike cho biết, Australia đang rất nỗ lực trong vấn đề này. Trong năm qua, chính phủ Australia đã hình thành mạng lưới các Doanh nhân tiên phong Việt Nam và Australia, quy tụ các giám đốc điều hành, các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp tại Australia. Trong 12 tháng qua, mạng lưới đã tổ chức nhiều cuộc thảo luận, để tăng cường hiểu biết về các thách thức mà cơ hội mà các nhà đầu tư Australia đang phải đối mặt tại thị trường Việt Nam. Và kết quả là mạng lưới đã cho ra đời một báo cáo khuyến nghị trong đó nêu bật những nội dung đã chắt lọc được và đề xuất các biện pháp mà Australia và Việt Nam cần làm để thúc đẩy quan hệ đầu tư giữa hai bên. Ông Layton Pike cho biết, một trong những thách thức được nêu ra đó là nâng cao hiểu biết của các doanh nghiệp Australia về Việt Nam và chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Anthony Albanese chính là một trong những nỗ lực để cải thiện điều này.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa sự hiểu biết về Việt Nam trong giới nghiên cứu và công luận, năm ngoái, Australia cũng đã thành lập viện nghiên cứu đầu tiên về Việt Nam đó là Viện Chính sách Australia-Việt Nam mà ông Layton Pike là người đồng sáng lập. Ông Layton Pike cho biết, sau hơn 1 năm, mạng lưới của viện đã phát triển rộng khắp Australia với 25 đối tác được công nhận. Viện Chính sách Australia-Việt Nam cũng đã nhanh chóng trở thành địa chỉ nghiên cứu hàng đầu không chỉ về quan hệ chiến lược mà còn về kinh tế với Việt Nam. Việc hai bên gia tăng kết nối và chia sẻ những hiểu biết sâu sắc thực sự đã trở thành nền tảng để hai nước đẩy mạnh quan hệ. Ông Layton Pike tin tưởng, cũng như chuyến thăm của Thủ tướng Anthony Albanese tới Việt Nam, Viện Chính sách Australia-Việt Nam sẽ góp phần làm cho quan hệ giữa hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn./.