Việt Nam là ‘đại bản doanh’ của nhiều tập đoàn công nghệ
Việt Nam - điểm đến chiến lược của các tập đoàn công nghệ
Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 diễn ra vào sáng 22/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định vai trò, cũng như những đóng góp quan trọng của khu vực tư nhân nhằm đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam.
‘Cụ thể, không chỉ cung cấp nguồn vốn mồi quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân còn giữ vai trò then chốt thúc đẩy những sản phẩm công nghệ tiên phong’ - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: NH |
Tại Việt Nam, để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57/NQ-TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: "Nghị quyết không chỉ là định hướng, mà còn mang tính hành động đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên kinh tế số, kinh tế xanh và kỷ nguyên công nghệ cao".
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế số phát triển rất nhanh trong thời gian qua, với 30 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ chiếm 30% GDP vào năm 2030. Với sự phát triển đó, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư công nghệ toàn cầu.
Cùng với chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Thừa nhận Việt Nam đang có sức hấp dẫn đối với các tập đoàn toàn cầu, trong đó có các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, ông Steven Trương - Phó Chủ tịch NVIDIA đã chỉ ra những ưu điểm khiến tập đoàn này lựa chọn Việt Nam là ‘cứ điểm’ đầu tư.
Trong đó, ưu điểm đầu tiên được ông Steven Trương nhắc đến đó là lực lượng lao động trẻ, với độ tuổi trung bình là 32 tuổi, thấp hơn tuổi trung bình tại Hoa Kỳ và châu Âu. Cùng với đó, Việt Nam lại có 5 triệu Việt kiều sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó có một lực lượng lớn làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Ưu điểm thứ hai được đại diện NVIDIA nhắc đến đó là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 3 năm qua luôn ở mức cao, trung bình 6,7%, đứng đầu trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, 78% người Việt Nam sử dụng Internet…
Với những ưu điểm trên, ông Steven Trương cho rằng, Việt Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới đến đầu tư, điển hình như Samsung, Apple, điều đó cho thấy, sức hấp dẫn của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
Các diễn giả tham gia toạ đàm trong khuôn khổ diễn đàn. Ảnh: NH |
Quyết liệt biến cơ hội tại Việt Nam thành giá trị
Trong bài phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, để hiện thực hoá các tiềm năng về kinh tế số, Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo đó, Phó Thủ tướng kêu gọi, các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng, cơ hội tại thị trường Việt Nam hãy "hành động nhanh chóng, quyết liệt hơn" để biến tiềm năng, cơ hội tại thị trường Việt Nam, biến những cam kết thành giá trị. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích, nhằm thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cũng chỉ rõ, Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, đại diện Bộ Tài chính cũng đưa ra những lợi thế mà các tập đoàn công nghệ nên ‘lựa chọn’ Việt Nam là điểm đến đầu tư, bao gồm: Việt Nam có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn “dân số vàng” có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Việt Nam cũng đã hình thành được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57/NQ-TW.
Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt đã được ban hành như: Nghị quyết 193/2025/QH15 về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị định số 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư và đang tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. |