Thứ bảy 16/11/2024 23:16

Việt Nam hướng đến năm Chủ tịch ASEAN 2020

Sau 24 năm gia nhập ASEAN, khu vực này đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, hội nhập ASEAN là một trong những ưu tiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. 

Đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam

Cộng đồng ASEAN (AEC) đã bước vào năm thứ 4 hình thành và phát triển, kể từ mốc 31/12/2015 và đang nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn đến 2025, bước đầu đạt được những tiến triển đáng khích lệ. AEC đã tạo nên một không gian sản xuất tương đối đồng bộ, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ sự phân biệt đối xử nào giữa các thành viên. Các nỗ lực hợp tác kinh tế nội khối với các đối tác đã đem lại cho ASEAN tăng trưởng kinh tế ổn định, năm 2019 dự báo đạt 4,9%, cao gần gấp đôi mức trung bình của thế giới.

Khu công nghiệp VSIP - biểu tượng thành công trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore

Sau 24 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, khu vực này đã trở thành một trong những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) năm 1996, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN đã tăng hơn 9,5 lần, từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên gần 56,3 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 24,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 31,8 tỷ USD trong năm 2018.

Bên cạnh lợi ích về tăng trưởng kinh tế, việc hội nhập vào khu vực kinh tế ASEAN còn đem lại những tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài.

Không chỉ tham gia sâu rộng và toàn diện vào hợp tác nội khối, ASEAN còn là hạt nhân giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc... thông qua ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác này.

Cần định hướng chính sách phù hợp

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) mặc dù có nhiều thuận lợi để tạo nên những thành quả tích cực trong tiến trình hội nhập ASEAN đối với Việt Nam, các thách thức mà Việt Nam gặp phải cũng không nhỏ.

Trước hết, làn sóng bảo hộ trên thế giới chưa có dấu hiệu suy giảm, làm ảnh hưởng tới hợp tác đa phương và khu vực. Tuy ASEAN là một thị trường lớn, về cơ bản đã xóa bỏ hàng rào thuế quan, nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn chưa có nhiều các sản phẩm mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh so với các nước ASEAN khác.

Bên cạnh đó, môi trường cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn do hội nhập kinh tế khu vực mang lại, đặc biệt khi các quốc gia thành viên có đặc thù sản xuất khá tương đồng, có thế mạnh chung trong nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Do đó, theo nhận định của các chuyên gia, hội nhập kinh tế ASEAN trong thời gian tới cần có những định hướng, chính sách phù hợp. Đặc biệt là trong năm 2020, khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, cần thể hiện định hướng tiếp tục coi hội nhập ASEAN là một trong những ưu tiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ việc xây dựng ASEAN trở thành khu vực trung tâm, phải tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác, nhất là với EU khi Việt Nam là điều phối viên trong quan hệ hợp tác ASEAN - EU, và với RCEP - khu vực đại diện cho 50% dân số thế giới, 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công Thương, Việt Nam thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng... trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh, nắm bắt chính sách để có thể đương đầu với sự cạnh tranh về cả chất và lượng mà hội nhập kinh tế mang lại.

Năm 2020 là năm đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và cũng là dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Nguyễn Hường

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam chủ trì họp tổng kết Ủy ban ASEAN tại New York

ASEAN – EU: Chính thức nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược

Hợp tác quốc tế về quy định để ứng phó khủng hoảng trong tương lai

Thúc đẩy tự do lưu thông hàng hóa tại 5 nước ASEAN và Việt Nam

Doanh nhân trẻ ASEAN tăng cường hợp tác, vươn ra biển lớn

Hội chợ ASEAN - Trung Quốc: Thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số

Thủ tướng chúc mừng Hội chợ Trung Quốc-ASEAN lần thứ 17

Hiệp định RCEP: Doanh nghiệp cần chủ động trong sân chơi kinh tế rộng lớn

CAFEO 38 - Thể hiện tinh thần hợp tác, linh hoạt của đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN

Các nước Đông Á hợp tác chuyển đổi năng lượng hướng tới phát triển bền vững

ASEAN tăng cường hợp tác IRENA phát triển năng lượng tái tạo

ASEAN+3 cam kết tăng cường hợp tác phục hồi năng lượng

Hướng tới phát triển thị trường năng lượng ASEAN bền vững, xanh và sạch

IEA thúc đẩy ưu tiên năng lượng của ASEAN

Thúc đẩy hợp tác năng lượng trong khu vực Đông Á

Thống nhất nhiều nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng lần thứ 38

ASEAN đồng thuận thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Ký kết RCEP: Một bước tiến lớn của thế giới tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế hậu Covid-19

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 thông qua số lượng văn kiện lớn nhất từ trước tới nay

Việt Nam chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Brunei