Việt Nam - Điểm đến trong làn sóng chuyển hướng sản xuất công nghiệp
Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn trong làn sóng chuyển hướng sản xuất công nghiệp đến các quốc gia khu vực ASEAN. Đồng thời, mạch chảy mới trong công nghiệp thế giới đang trở thành cơ hội phát triển của Việt Nam, nhất là chuỗi cung ứng bền vững đáp ứng xu hướng kinh tế xanh.
Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) thu hút gần 40 dự án FDI. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN |
Đây là thông tin được doanh nghiệp cho biết tại chuỗi hội thảo chuyên ngành sản xuất công nghiệp - cơ khí trong khuôn khổ triển lãm quốc tế hàng đầu Việt Nam về máy móc công cụ và giải pháp gia công kim loại lần thứ 16 năm 2023 (METALEX Vietnam 2023) đang diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh. Theo cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay đối tác trong ngành sản xuất công nghiệp toàn cầu quan tâm đến thực hiện trách nhiệm xã hội và môi trường của đơn vị sản xuất kinh doanh để phát triển chuỗi cung ứng xanh trên thị trường; trong đó, những chỉ số và báo cáo ESG (báo cáo môi trường, xã hội và quản trị) được đánh giá là yếu tố quan trọng khi nhà đầu tư cân nhắc rót vốn hay liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam, cũng như mở rộng thị trường nội địa. Hàng loạt dự án lớn đến từ công ty đa quốc gia liên tiếp được ký kết như công ty Roxcom, Lego; hay mở rộng đầu tư của Samsung, LG... cho thấy Việt Nam đã và đang đón nhận làn sóng chuyển hướng sản xuất công nghiệp đến các quốc gia khu vực ASEAN. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức như phát triển năng lượng xanh, nguồn nhân lực chuyên môn cao... phục vụ sản xuất công nghiệp theo tiêu chuẩn toàn cầu mới có thể đảm bảo yêu cầu của nhà đầu tư, thương hiệu đa quốc gia... Để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng sản xuất công nghiệp tại Việt Nam của những tập đoàn quốc tế, ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc công ty RX Tradex Việt Nam cho rằng, cộng đồng sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực...; trong đó, một số ngành công nghiệp sản xuất đầy triển vọng tại Việt Nam có thể kể đến là công nghiệp hỗ trợ, điện tử... với cơ hội tiến sâu, phát triển bền vững và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn theo ông Hirabayashi Tomoya, đại diện Bộ phận kinh doanh và tiếp thị Công ty YAMAHA Việt Nam, trong thời gian gần đây nhiều thương hiệu công nghệ hàng đầu các quốc gia tích cực quảng bá trên thị trường Việt Nam. Điều này không chỉ cho thấy, nhà cung cấp toàn cầu chủ động tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, mà còn đánh giá sản xuất công nghiệp Việt Nam là điểm đến thu hút trong khu vực ASEAN. Ghi nhận ý kiến một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tại thị trường ASEAN; trong đó có Việt Nam đang mở rộng nhu cầu về sản xuất chính xác cao, thiết bị điện tử... và năng suất của doanh nghiệp sẽ được nâng cao hơn khi bổ sung công nghệ, giải pháp mới trên toàn cầu. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ khu vực công và tư nhân, nhà sản xuất Việt Nam đã đạt được năng suất cao và cải tiến trong sản xuất nhiều hơn với nguồn lực ít hơn và bắt kịp xu hướng chung của khu vực. Bên cạnh đó, kết quả phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy, có sự thúc đẩy bởi nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhất là trợ lực từ dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và đầu tư vào công nghệ.
Thống kê riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, dự án FDI đăng ký cấp mới vào thành phố tăng đáng kể khi 9 tháng năm 2023 có 860 dự án FDI cấp mới, tăng 51,7% so với cùng kỳ và tổng số vốn đăng ký đạt 406 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ.
Ở khu vực công nghiệp, xây dựng, sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh cũng cấp phép 6.941 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 94.903 tỷ đồng; trong đó, nhóm ngành công nghiệp có 3.776 đơn vị, tăng 4,4% và số vốn đăng ký đạt 26.163 tỷ đồng./.