Việt Nam- điểm đến được lựa chọn của nhà đầu tư Hoa Kỳ
Theo Tiến sĩ Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vì sao Việt Nam là điểm đến được lựa chọn của nhà đầu tư Hoa Kỳ không có gì khác ngoài những thành công và các kết quả đã đạt được trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ những năm gần đây.
Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh- nơi thu hút các dự án đầu tư lớn của DN Hoa Kỳ |
Hoa Kỳ tuy chưa đứng trong tốp các nhà đầu tư nước ngoài ngoài hàng đầu vào Việt Nam nhưng đã có nhiều tên tuổi lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, như Intel, Microsoft, Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G, Metlife, UPS… Một số tín hiệu được ghi nhận từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã củng cố thêm hy vọng về sự thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ngay trước thềm chuyến thăm, ngày 23/8, Tập đoàn Boeing, nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, đã công bố mở văn phòng tại Hà Nội.
Dự kiến năm 2021, các DN Hoa Kỳ bỏ ra khoảng 40 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, và có khoảng trên dưới 10 tỷ USD được các nhà đầu tư Hoa Kỳ rót vào Việt Nam. Với lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn, có tư duy kinh doanh năng động, cộng với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục là điểm đến nhiều hấp dẫn của các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Ở chiều ngược lại, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng/2021, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường đầu tư lớn nhất của các DN Việt Nam đầu tư vào Hoa Kỳ. Trong tổng số 575 triệu USD vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (cả cấp mới và tăng thêm), thị trường Hoa Kỳ đã thu hút 302,8 triệu USD, chiếm tới 52,7%.
Theo ông Russell Reed - Giám đốc điều hành của UPS Thái Lan và Việt Nam, các DN Hoa Kỳ mong đợi Chính phủ Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn và triển khai Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm 2021, tạo đà thúc đẩy hơn nữa cho thương mại của Việt Nam với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến nay, sau 9 tháng RCEP được ký kết bởi 15 quốc gia (bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước có ký kết các FTA với ASEAN (gọi tắt là ASEAN+) mới có 4 nền kinh tế bao gồm Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định này.
Theo đánh giá của giới đầu tư Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn có triển vọng tốt trong thu hút FDI nói chung và từ Hoa Kỳ nói riêng. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, Việt Nam không phải điểm đến duy nhất của dòng chuyển dịch. Ngay cả quyết định của Boeing cũng cho thấy điều này khi thành lập văn phòng đại diện mới tại Việt Nam, Boeing còn lập cả văn phòng đại diện tại Jakarta (Indonesia). Để có thể vượt lên trước trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư, có 3 điều cốt lõi trong quyết định đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư Hoa Kỳ đó là quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, mức độ ổn định của hệ thống pháp luật về chính sách đầu tư.