Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN
Đó là thông tin tại Hội nghị công tác tuyên truyền quảng bá ASEAN kỷ niệm 55 ngày thành lập ASEAN (8/8/1967- 8/8/2022): "55 năm ASEAN cùng nhau lớn mạnh” do Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Thông tin Tuyên truyền ASEAN tổ chức chiều ngày 4/8, tại Hà Nội.
Hình mẫu thành công về hợp tác khu vực
Cách đây hơn nửa thế kỷ, hoài bão về một hiệp hội quy tụ tất cả các nước Đông Nam Á hướng tới một khu vực hòa bình, tự do và thịnh vượng, vẫn còn nhen nhóm. Thì nay, trải qua bao thăng trầm lịch sử, giấc mơ về một ASEAN với 10 nước Đông Nam Á đã trở thành hiện thực.
Hội nghị công tác tuyên truyền quảng bá ASEAN kỷ niệm 55 ngày thành lập ASEAN (8/8/1967- 8/8/2022) |
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nay là Cộng đồng ASEAN, luôn chứng tỏ được sức sống mãnh liệt, khả năng thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế, là nhân tố quan trọng bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
ASEAN đã trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tếnăng động nhất thế giới, đồng thời là hình mẫu thành công về hợp tác khu vực. Năm 2021, ghi dấu chặng đường 54 năm hình thành và phát triển đầy vinh quang của ASEAN, với những thành tựu to lớn và song hành là những thách thức đòi hỏi các nước thành viên ASEAN phải nắm chặt tay nhau cùng tiến về phía trước.
Sau 5 năm đầu thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, có thể nói ASEAN đã đạt được những thành công nhất định trong quá trình xây dựng ba trụ cột, góp phần duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như tăng cường khả năng ứng phó của ASEAN trước các thách thức; củng cố liên kết kinh tế, kết nối, đề cao bản sắc và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Trong đó, Cộng đồng Chính trị - An ninh, giúp các nước thành viên hợp tác chặt chẽ hơn với nhiều tiến triển quan trọng về xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực, quy tắc ứng xử, ngăn ngừa, quản lý xung đột, nâng cao năng lực xử lý những thách thức an ninh, đồng thời tiếp tục tuân thủ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của Phương cách ASEAN: Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Về Cộng đồng Kinh tế, ASEAN hiện được đánh giá là một thực thể kinh tế ổn định và năng động có khả năng thích ứng cao trước các chuyến biến của khu vực và thế giới. ASEAN đã chuyển mình thành một không gian kinh tế mở và hội nhập với thương mại nội khối hiện chiếm 1/4 tổng giá trị thương mại toàn khu vực này.
Về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, đã và đang tạo ra những nền tảng căn bản để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thúc đẩy bình đẳng và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tăng cường ý thức cộng đồng và giá trị bản sắc chung.
Nhiều kế hoạch giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho người dân đã được thực hiện. Hàng loạt sáng kiến, như “Mạng lưới thành phố thông minh ASEAN”, “Kết nối các kết nối” đang được triển khai sâu rộng.
Các nỗ lực tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững, gắn kết chặt chẽ các tiểu vùng với kế hoạch phát triển tổng thể của ASEAN, đã thu được kết quả khả quan. Tầm nhìn ASEAN 2025 được gắn kết với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị |
Sau hơn 5 thập niên phát triển và hơn 5 năm triển khai thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, nhờ sự vào cuộc tích cực và đồng lòng hợp sức của 650 triệu người dân ASEAN, ASEAN đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định được giá trị của mình, đem lại cho các nước thành viên những lợi ích to lớn của một môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, một không gian hợp tác mở rộng quy tụ được hầu hết các cường quốc trong và ngoài khu vực, hướng tới hiện thực hóa giấc mơ tạo dựng một cộng đồng đa văn hóa, đa dân tộc nhưng chung một tầm nhìn, một bản sắc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngày 8/8/1967, ASEAN được thành lập, là mốc đầu tiên của tiến trình hình thành và phát triển của một tổ chức khu vực được đánh giá là rất hiệu quả và đang phát triển mạnh mẽ.
"55 năm qua, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả to lớn, trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm trong khu vực. Vai trò trung tâm của ASEAN có nền tảng từ những thành quả hợp tác mà Hiệp hội đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển, từ quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài, cũng như từ những thành công của các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực mà Hiệp hội khởi xướng và dẫn dắt" - ông Triệu Minh Long nhấn mạnh.
Gia nhập ASEAN tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam
Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28), tại Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này.
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho hay, trong 27 năm qua, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN và cùng các nước thành viên ASEAN khác xây dựng nền móng quan trọng để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
"Cho đến nay, Khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất" - bà Phạm Quỳnh Mai khẳng định, đồng thời nêu, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước ASEAN đạt 98% (các nước ASEAN khác xóa bỏ khoảng 98,7% thuế nhập khẩu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam).
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương (ngoài cùng bên trái) chia sẻ tại hội nghị |
Về ngoại khối, thông qua ASEAN, Việt Nam có điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đốI tác quan trọng khác thông qua việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác này.
Trong số 15 FTA mà Việt Nam đã ký kết, có đến 8 hiệp định thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN. Đặc biệt, ASEAN đã cùng 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm 2020, khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN - tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới xét về dân số (khoảng 2,2 tỷ người tiêu dùng) với nhiều tiềm năng phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Đánh giá về lợi ích từ gia nhập ASEAN, bà Phạm Quỳnh Mai chia sẻ, việc gia nhập ASEAN tạo thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Đông Nam Á; tiếp cận thị trường các nước đối tác của ASEAN có trên 1 tỷ dân như Trung Quốc, Ấn Độ, các thị trường phát triển “khó tính” như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này lên gấp nhiều lần so với thời điểm ký kết các FTA tương ứng.
"Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ hơn 3 tỷ USD lên gần 56 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng từ 664 triệu USD lên 21,9 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản tăng từ mức 8,5 tỷ USD lên 20,1 tỷ USD năm 2021…" - bà Phạm Quỳnh Mai dẫn chứng.
Việc gia nhập ASEAN cũng tác động tích cực cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam như thúc đẩy đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từ các mặt hàng truyền thống như dầu thô và gạo sang các mặt hàng công nghiệp chế biến và công nghệ cao như sắt thép; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại và linh kiện.
Ngoài ra, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN khác, đặc biệt trong các lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng...; tạo động lực để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học - công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến; góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mặt khác, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư ngày càng minh bạch, qua đó giúp nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo thường niên về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB).