Việt Nam có thể đạt 5/17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030
Trình bày về tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs tại hội thảo, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT) - cho biết, Việt Nam có khả năng đạt được 5 trong số 17 mục tiêu SDGs đến năm 2030, bao gồm: Mục tiêu về xóa nghèo, xóa đói; giáo dục có chất lượng; các hành động bảo vệ khí hậu; quan hệ đối tác toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức để đạt được 12 mục tiêu còn lại, đặc biệt là mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững và mục tiêu về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển.
Đặc biệt, theo ông Lê Việt Anh, việc dự báo mức độ đạt được các mục tiêu vào năm 2030 dựa trên số liệu thống kê chính thức đến hết năm 2019, tức là trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong khi đó, dịch Covid-19 gây ra những tác động nặng nề đối với phát triển kinh tế - xã hội, có thể làm đảo lộn các thành quả đã đạt được trong thời gian vừa qua và thay đổi mọi dự báo.
Theo đó, để duy trì thành quả đã đạt được, thời gian tới Việt Nam cần nỗ lực, biến thách thức thành hành động và cơ hội, tiếp tục huy động sự tham gia của các bên liên quan một cách tích cực và hiệu quả hơn để quyết tâm đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2030.
Ông Michael Siegner - Trưởng đại diện, Viện Hanns Seidel tại Việt Nam - nhận định: Báo cáo SDGs quốc gia 2020 được soạn thảo trong bối cảnh có nhiều thách thức trong quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của dân số toàn cầu mà còn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện của chương trình phát triển bền vững. Đặc biệt, trong năm 2020, Việt Nam xếp thứ 46 trong số 166 quốc gia về chỉ số phát triển bền vững. Đại dịch Covid-19 gây thêm trở ngại cho việc thực hiện SDGs, làm giảm tốc độ và làm trầm trọng thêm các thách thức đối với các mục tiêu. Theo đó, nỗ lực của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ phải tăng lên gấp bội để đưa đất nước trở lại đúng hướng, nhằm đạt các mục tiêu vào năm 2030.