Thứ ba 24/12/2024 00:09

Viện trưởng Lê Minh Trí: Xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án về kinh tế, chức vụ

Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành Kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh.

Tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp

Báo cáo một số nội dung liên quan đến 04 nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, những năm qua, bên cạnh việc kinh tế - xã hội phát triển nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng thì tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tăng.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí

Đặc biệt, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, phi truyền thống với tính chất phức tạp hơn, hậu quả đặc biệt lớn, nổi lên là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng với số tiền bị chiếm đoạt và thất thoát rất lớn; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều, phức tạp, đa dạng…

Trung bình lĩnh vực hình sự tăng khoảng 10%/ năm; lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10 % - 12%/năm, có năm tăng 15%/năm.

Như vậy, hơn 10 năm qua khối lượng công việc của Ngành phải thực hiện tăng lên gấp đôi với yêu cầu pháp luật ngày càng cao nhưng biên chế của Ngành không tăng, số lượng Kiểm sát viên trong toàn ngành (là chức danh tư pháp bắt buộc để thực hiện chức năng, nhiệm vụ) không thay đổi; biên chế Kiểm sát viên của Viện kiểm sát các cấp có sự chênh lệch rất lớn so với số lượng Điều tra viên của ngành Công an nhân dân hiện nay.

Ngành Kiểm sát nhân dân với hoạt động đặc thù thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân và các cơ quan khác có thẩm quyền điều tra.

Đồng thời, có chức năng trực tiếp điều tra 38 tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp nên hoạt động kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra của VKSND các cấp chiếm hơn 1/2 khối lượng công tác nghiệp vụ (như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng) nhưng hiện nay ngành Kiểm sát thực hiện cơ chế phân bổ kinh phí hành chính mà không được thực hiện theo chế độ chi theo hoạt động thực tế như Cơ quan điều tra trong Công an, Quân đội nên đây cũng là một khó khăn lớn trong hoạt động của Ngành.

Cùng với những khó khăn, áp lức trên thì yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, yêu cầu pháp luật về bảo vệ con người ngày càng cao, nhất là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có thể bị xử lý hình sự nếu để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm càng tạo áp lực lớn đến tâm lý của Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ hiện nay. Đây là những khó khăn, thách thức đối với ngành Kiểm sát nhân dân.

Hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm kinh tế, chức vụ

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho biết, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Bên cạnh giải pháp chung, toàn Ngành thực hiện những giải pháp cụ thể như tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra.

Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp phải kiểm sát ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng; yêu cầu kiểm sát 100% trường hợp thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; yêu cầu Kiểm sát viên nắm chắc tiến độ điều tra, chủ động đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ vụ án; thận trọng khi xét, phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng.

Tăng cường trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn, bảo đảm chống oan sai; thực hiện nghiêm hoạt động trực tiếp kiểm sát việc đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét; kiểm sát chặt chẽ việc thu thập tài liệu, chứng cứ, kiên quyết hủy bỏ hoặc không phê chuẩn các quyết định tố tụng thiếu căn cứ, trái pháp luật; bảo đảm việc thu thập chứng cứ và các hoạt động điều tra khách quan, toàn diện, đầy đủ đúng pháp luật...

Đáng chú ý, đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân các cấp phải xác định đúng bản chất, động cơ của tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, chức vụ; áp dụng đúng các quy định pháp luật trong xác định tội danh và đánh giá chứng cứ, hành vi phạm tội; yêu cầu khởi tố và thay đổi tội danh khi có căn cứ.

Bảo đảm mọi hành vi tham nhũng phải được xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm; đồng thời, thông qua giải quyết các vụ án thực hiện tốt công tác kiến nghị các cơ quan hữu quan về phòng ngừa vi phạm, tội phạm; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản.

Ngành Kiểm sát cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, Ban Nội chính Trung ương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kịp thời khởi tố, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật...

Với những giải pháp trên, kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành Kiểm sát năm sau tốt hơn năm trước, hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội, chỉ tính riêng trong hai năm 2021, 2022, Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 292.915 nguồn tin về tội phạm.

Cùng với đó, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đã thụ lý giải quyết 150.848 vụ/281.854 bị can, đã giải quyết 140.453 vụ/259.415 bị can (tỷ lệ trung bình đạt 93,1% số vụ và 96% số bị can); tỷ lệ truy tố đúng thời hạn 99,99% (vượt 4,99% chỉ tiêu Quốc hội giao).

Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự đối với 165.065 vụ/309.707 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với 32.596 vụ/55.297 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 794 vụ/1.104 bị cáo.

Tỷ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử; số kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm tăng và hầu hết đều được thực hiện.

Trong đó, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ (điển hình như trong quá trình giải quyết các vụ án: AIC Đồng Nai, Việt Á, VNpharma); các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành Kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực

Bộ Công Thương: Quyết tâm tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo trong chống lãng phí để phát triển bền vững

10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2024

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người