Viện Nghiên cứu Cơ khí: Coi hoạt động khoa học và công nghệ là trọng tâm
Tại Hội nghị Cán bộ viên chức năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 do Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) vừa tổ chức, ông Phan Hữu Thắng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) cho biết, trong năm 2022, Viện vẫn duy trì hoạt động bền vững với các định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ gắn liền với hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực nhiệt điện, bô xít, xi măng.
Viện Nghiên cứu Cơ khí tổ chức Hội nghị Cán bộ viên chức năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 |
Đồng thời, mở ra các hướng phát triển mới trong lĩnh vực điện mặt trời, năng lượng tái tạo, nhà kho thông minh, thiết bị ngành hóa chất... đã gây dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng trong và ngoài nước.
Về việc thực hiện các đề tài/dự án cấp Nhà nước, năm 2022, Viện đã hoàn thành và được nghiệm thu cấp nhà nước Dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW”.
Cụ thể, đến thời điểm kết thúc Dự án: Đề tài 01 về hệ thống vận chuyển và cung cấp than do TS. Phan Đăng Phong (Viện trưởng NARIME) làm chủ nhiệm đạt mức xuất sắc; 7/12 đề tài được nghiệm thu đạt; 6 đề tài có sản phẩm khoa học và công nghệ dạng I đang được vận hành thương mại tại các nhà máy nhiệt điện (Sông Hậu 1, Thái Bình 1), nhà máy thủy điện Sơn La…
Bên cạnh đó, Viện đã nghiệm thu cấp cơ sở và cấp Bộ đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo khớp giãn nở dạng sóng bằng thép hợp kim đàn hồi có kích thước lớn 2m đến 5m làm việc trong môi trường có nhiệt độ và áp suất để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện”.
Ngoài ra, Viện đã nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Viện: Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo xe tự hành (Automated Guided Vehicles - AGV) phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Đề tài đã triển khai từ 2021 và được ứng dụng hiệu quả tại Công ty bột giặt LIX - Tập đoàn hóa chất Việt Nam.
Đề tài đã nghiên cứu, thiết kế và làm chủ công nghệ xe tự hành AGV; nghiên cứu ứng dụng hệ thống dẫn đường cho xe tự hành AGV trong môi trường nhà kho tại Việt Nam; nghiên cứu, áp dụng phần mềm điều khiển cho xe tự hành AGV cùng với đó là góp phần đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực robot và tự động, đồng thời mở ra mảng công việc mới trong các năm tới.
Đáng chú ý, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Hàn và Xử lý bề mặt thuộc Viện là đồng tác giả 01 bằng sáng chế về “Quy trình xử lý lớp phun phủ nhiệt bằng phương pháp thẩm thấu với PTFE trong điều kiên có rung siêu âm” và được chấp thuận đơn 01 sáng chế về “Quy trình chế tạo lớp phủ hợp kim nhôm magiê chứa nano ôxít nhôm để bảo vệ chống ăn mòn cho thép cácbon, và thép cácbon có lớp phủ chống ăn mòn được tạo ra bằng quy trình này”…
Nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện đang được vận hành thương mại tại các nhà máy nhiệt điện |
Đánh giá chung về các hoạt động của Viện năm 2022, ông Phan Hữu Thắng nhấn mạnh, Viện xây dựng các đề tài khoa học và công nghệ các cấp đã bám sát các chương trình kinh tế lớn của Nhà nước và định hướng công việc của Viện như: Thiết bị nhiệt điện than, điện mặt trời, công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất bô xít nhôm, xử lý chất thải công nghiệp; chế tạo mới hoặc thay thế phục hồi các thiết bị trong các ngành công nghiệp xi măng, hóa chất…
Chất lượng các chuyên đề và đề tài đã tổ chức nghiệm thu trong năm 2022 đều được đánh giá là đạt yêu cầu. Trong quá trình thực hiện, Viện đã tổ chức giám sát chặt chẽ, bảo đảm tiến độ, chất lượng và nội dung đăng ký theo đúng quy trình, quy định của nhà nước và của Viện.
“Viện luôn xác định và coi hoạt động khoa học và công nghệ là trọng tâm, hiệu quả hoạt động kinh tế phải dựa trên cơ sở hoạt động khoa học và công nghệ mang lại. Viện vẫn chủ trương gắn liền hoạt động khoa học và công nghệ với các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của đất nước” - ông Phan Hữu Thắng cho hay.
Theo đó, trong năm 2023, Viện Nghiên cứu Cơ khí tiếp tục tổ chức nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực nhiệt điện khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tự động hóa nhằm bảo đảm cho Viện có lợi thế về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tạo uy tín cho Viện trên thị trường và tập trung được nguồn lực cho các dự án lớn.
Bên cạnh đó, đề xuất các đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và cấp Bộ trong giai đoạn 2023-2030 với mục tiêu thiết thực, hiệu quả theo nhu cầu thực tế của các ngành công nghiệp trong và ngoài nước.