Tọa đàm cấp cao về REDD+ |
Việt Nam đã đi tiên phong triển khai thực hiện REDD+ từ năm 2010, là một nước đầu tiên xây dựng Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP), đi tiên phong trong nỗ lực lượng hóa các giá trị môi trường rừng, thực hiện thành công cơ chế chi trả cho môi trường rừng... Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên đáng kể từ 27% năm 1993 lên gần 41% vào năm 2015.
Tuy nhiên, cơ hội và thách thức phát triển trong giai đoạn mới đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi thích ứng về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Lĩnh vực lâm nghiệp hiện được coi là một trụ cột trong chiến lược tăng trưởng xanh và đạt các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. REDD+ được coi là một sáng kiến, cơ hội để Việt Nam thay đổi cách tiếp cận quốc gia về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Để thích ứng với bối cảnh mới, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi NRAP đưa ra tầm nhìn, tham vọng, định hướng mới về phát triển, quản lý và bảo vệ rừng theo hướng tiếp cận liên ngành để giải quyết các nguyên nhân và rào cản thực thi REDD+, dự kiến sẽ thông qua trong năm 2016. Tầm nhìn REDD+ Việt Nam đặt ra cho giai đoạn 2016-2020 là: Đảm bảo rừng có chất lượng cao được quản lý bền vững để tăng cường hấp thụ cac-bon từ các loại hình sử dụng đất; đóng góp vào việc tạo dựng nền kinh tế xanh và phát thải thấp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và toàn diện; nâng cao đời sống người dân.
REDD+ là một cơ chế đa phương quốc tế Việt Nam cam kết tham gia giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng cac-bon rừng, qua đó làm giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu, củng cố tiềm năng mang lại các lợi ích về môi trường, xã hội cho các quốc gia thực hiện. |
Để thực hiện tầm nhìn REDD+ 2016-2020, Việt Nam dự kiến 3 gói giải pháp: Thứ nhất là giảm mất rừng. Với gói giải pháp này, Việt Nam sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tổng thể để đạt được mục tiêu 16,24 triệu ha đất cho lâm nghiệp vào năm 2020; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bền vững không gây mất rừng; cải thiện quản trị rừng và sinh kế cho người dân sống trong và gần rừng; tăng cường thực thi pháp luật về rừng.
Thứ hai là bảo tồn, nâng cao trữ lượng cac-bon rừng và quản lý rừng bền vững. Theo đó, Việt Nam sẽ nhân rộng các mô hình kinh doanh rừng có hiệu quả; thí điểm mô hình làm giàu rừng tự nhiên bền vững, bảo vệ và bảo tồn rừng; cải thiện môi trường kinh doanh và tài chính cho lâm nghiệp.
Thứ ba là thực hiện REDD+ và từng bước cải thiện. Việt Nam sẽ hoàn thiện và nâng cấp các công cụ REDD+ theo lộ trình; thực hiện các cơ chế quản lý cho REDD+; tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực để thúc đẩy REDD+, làm giảm nguy cơ dịch chuyển phát thải; điều phối, hỗ trợ, tuyên truyền, nâng cao năng lực thực hiện và giám sát tiến trình thực hiện NRAP.
Dự kiến trong năm 2017, kế hoạch đầu tư và khung huy động nguồn lực cho NRAP bao gồm cả các chỉ tiêu định lượng sẽ được xây dựng. Kế hoạch này sẽ huy động các đối tác để triển khai các hoạt động cụ thể, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn xã hội và môi trường theo các cam kết quốc tế trong REDD+. Chính phủ Việt Nam cam kết thiết lập các cơ chế tài chính, thể chế hiệu quả, minh bạch nhằm tiếp nhận các khoản chi trả cho các kết quả đạt được, tái đầu tư cho các mục tiêu lâm nghiệp giai đoạn 2020.
Tại cuộc tọa đàm, bà Louise Chamberlain - Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) - khẳng định: Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ghi nhận trong thực thi REDD+; là quốc gia đi đầu thực hiện các sáng kiến giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng. Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ các thách thức và đang nỗ lực tìm các nguồn lực, cách tiếp cận mới cũng như giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững, chống lại với biến đổi khí hậu. UNDP cam kết tiếp tục là đối tác tin cậy gắn bó với Việt Nam thực hiện REDD+, hỗ trợ Việt Nam triển khai NRAP.../.