Về nơi cây quế hoá "vàng"
Nhờ trồng quế… người dân chỉ cho vay chứ không đi vay!
Bước chân đến cửa nhà chị Trần Thảo Dược (thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên) chúng tôi đã ngửi thấy hương quế thơm ngào ngạt. Sân trước, sân sau nhà chị Dược, đâu đâu cũng thấy các bao tải quế tươi chồng chất. Vừa thoăn thoắt đập để phân loại vỏ quế và cành quế, chị Dược vừa hỉ hả: “Nhà chả có gì ngoài quế. Cái nhà này, mấy cái xe máy, rồi con cái học hành đều từ quế mà ra…”
Người dân xã Đào Thịnh mang vỏ quế tươi đến bán cho Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam |
Tần tảo sớm hôm với rừng quế, nhưng chị Dược vẫn giữ được nước da trắng như trứng gà bóc, không được giới thiệu trước, khó có thể tin chị là một nông dân thực thụ. Kể chuyện về cây quế, chị Dược cho hay, trước năm 1995, gia đình chị chủ yếu là trồng lúa nương, sắn, bồ đề. Lúc bấy giờ dân trong xã Đào Thịnh nhiều nhà thiếu đói. Ngó thấy gần nhà có ông cụ lớn tuổi trồng được quế, cây to bán được tiền triệu (dù giá quế khi đó chỉ khoảng 1.500 đồng/kg). Ham quá, vợ chồng chị Dược rủ nhau đi vay tiền mua quế giống về trồng. Từ 500 cây, 1.000 cây giống ban đầu… đến giờ chị Dược chỉ ước chừng nhà có khoảng 10 ha quế, còn bao nhiêu nghìn cây thì chị không đếm nổi.
“Năm 2000, chúng tôi bán chỉ được 1.700 đồng/kg vỏ quế. Rồi giá quế nhích dần lên 4.000, 5.000, 6.000 đồng/kg... Năm 2021, giá vỏ quế tươi trung bình là 25.000 đồng/kg, giá vỏ quế khô không nạo vỏ là 60.000 đồng/kg, giá vỏ quế khô đã nạo vỏ là 100.000 đồng/kg; giá lá quế 1.800-2.000 đồng/kg; tinh dầu quế từ 550.000 – 600.000 đồng/kg”. Trồng quế đã lâu năm, nhưng chị Dược cũng không nghĩ đến một ngày quế đạt giá tốt như thế. Với 10 ha quế hiện có, vào mùa thu hoạch, vợ chồng, con cái chị Dược làm không xuể, phải thuê 7-8 người làm, chi phí nhân công lên tới vài triệu đồng/ngày
Theo anh Phạm Văn Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh, không riêng nhà chị Dược, hầu hết những người dân trồng quế ở Đào Thịnh đều đã thoát nghèo, có của ăn của để. Xây nhà, tậu xe, cho con cái học hành giờ là chuyện rất bình thường với nhiều người dân ở đây. Phát triển cây quế cũng chính là yếu tố quan trọng để đưa Đào Thịnh sớm về đích Nông thôn mới (NTM), và hoàn thành NTM nâng cao như hiện nay.
Quế hữu cơ của Trấn Yên đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc |
Trong câu chuyện “trà dư tửu hậu” ở Đào Thịnh, nhiều người còn kể nhau nghe chi tiết “vui vui mà có thật”. Đó là, chuyện ngân hàng về Đào Thịnh mời người dân vay tiền mà không thành vì đa số người Đào Thịnh chỉ cho vay chứ không đi vay! “Đúng đó, có thiếu tiền đâu mà vay ngân hàng. Xe ô tô chưa sắm thôi, chứ có việc cần chi 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng , nhiều nhà có sẵn đó. Cũng là nhờ cây quế cả” – chị Dược phấn khởi khoe.
“Vàng xanh” trên đất Trấn Yên
Đến Đào Thịnh vào đúng mùa thu hoạch quế, trên khắp các đồi quế, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người tỉa lá, người bóc vỏ, người chặt cành… tiếng nói, cười nói râm ran. Theo anh Nguyễn Văn Cúc - Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Đào Thịnh – cũng là người có tiếng về trồng quế: Quế hiếm khi bị sâu bệnh nên trồng quế khá nhàn. Quan trọng nhất là 2 năm đầu tiên phải làm cỏ để quế lên tốt, từ năm thứ 4 là không phải làm cỏ, đến năm thứ 5 là có thu nhờ thu hoạch kiểu tỉa cành. Cây quế quý ở chỗ, có thể cho thu hoạch toàn thân, trừ rễ. Tính theo giá bán quế 3 năm gần đây thì, một ha quế 5 năm tuổi thu được 40 triệu - 50 triệu đồng, 6,7 tuổi thu được 70 triệu - 80 triệu đồng, 8 tuổi thu về hơn 100 triệu đồng, 12-13 tuổi thu được 500 triệu - 700 triệu đồng. Quế có giá, việc trồng quế lại không vất vả như nhiều loại cây trồng khác, nên người dân Đào Thịnh ai cũng phấn khởi. Nhất là từ khi địa phương này tập trung vào chăm sóc quế hữu cơ, sản lượng quế thu hoạch đến đâu đều được Công ty CP sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (VINASAMEX) thu mua hết với giá cao. Người dân theo đó chỉ lo sản xuất chứ không bị áp lực về đầu ra cho sản phẩm.
Cả những cành quế nhỏ cũng được các công ty, cơ sở sản xuất quế thu mua |
Được biết, Đào Thịnh chỉ là xã sở hữu nhiều diện tích quế hữu cơ (800 ha/880 diện tích rừng) và có nhà máy chế biến quế quy mô 11.000m2 ở huyện Trấn Yên. Thực tế, các xã có “thâm niên” và diện tích “khủng” về trồng quế ở huyện Trấn Yên phải kể đến xã Kiên Thành 2.779 ha, Hồng Ca 2.526 ha, Y Can 2.166 ha, Lương Thịnh 2.221 ha, Tân Đồng gần 2.000 ha... Đến nay, tổng diện tích quế của huyện Trấn Yên đã đạt xấp xỉ 20.000 ha. Trong đó, quế an toàn theo hướng hữu cơ đạt 8.100ha, vùng quế đạt chứng nhận quốc tế và trong nước gần 2.200ha, quế mới trồng và trồng thay thế khoảng 1.200ha/năm.
Với sự vào cuộc của Công ty CP sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam và gần 100 cơ sở chuyên thu mua gom các sản phẩm quế khô và tươi, quế Trấn Yên hiện đã được xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan , Ấn Độ, Băng-la-đét, Pakistan, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…với giá trị thu về trên 500 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và nâng cao đời sống người dân trong huyện. Đặc biệt, nguồn thu từ quế đã và đang giúp Trấn Yên có được 1 xã NTM kiểu mẫu, 3 xã NTM nâng cao và 62 thôn NTM kiểu mẫu… Đây cũng là cơ sở để Trấn Yên mạnh dạn đặt mục tiêu, đến năm 2025, 100% số xã trên địa bàn đạt NTM nâng cao, 6 xã đạt NTM kiểu mẫu, huyện Trấn Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM kiểu mẫu gắn với đô thị hoá.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đắc lực giúp huyện miền núi Trấn Yên xoá đói nghèo, mà hơn thế, việc phát triển kinh tế từ trồng quế đã và đang giúp huyện Trấn Yên phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, duy trì nguồn nước…. Từ những kết quả “trông thấy” của cây quế, ông Nguyễn Đức Mầu – Phó chủ tịch huyện Trấn Yên cho biết: “Phát triển diện tích trồng quế an toàn theo hướng hữu cơ sẽ là hướng đi chủ đạo của cây quế Trấn Yên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phục vụ xuất khẩu, đem lại giá trị cao cũng sẽ được Trấn Yên đặc biệt quan tâm”.
Còn nhớ, trong lần gặp gỡ với chị Lê Thị Lụa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Thành, tại UBND huyên Trấn Yên, chị Lụa tha thiết mời tôi ghé thăm xã Việt Thành, không phải vì Việt Thành có nhiều thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM, mà đơn giản là vì “qua Việt Thành chơi, chị sẽ dẫn em thăm đồi quế của bà con. Đồi quế đều, xanh mướt, đẹp như tranh. Cùng tham gia thu hoạch quế với bà con, đảm bảo em sẽ mê…”.
Hơn tất cả, có lẽ tình yêu, sự gắn bó, niềm tự hào và ý thức trong việc chuyển đổi cây trồng của chính quyền và nhân dân huyện Trấn Yên chính là lý do để cây quế phát triển và thực sự mang lại những giá trị lớn lao cho vùng đất này. Trong tiết trời mùa xuân ấm áp, giữa những khoảng rừng quế vừa thu hoạch, những cây quế giống lại được người dân nâng niu trồng mới…Với cách làm này, bất kỳ lúc nào trở lại Trấn Yên, khách phương xa cũng có thể gặp được những rừng quế sinh sôi, xanh ngút tầm mắt cùng hương thơm quyến luyến mỗi bước chân qua…