![]() |
Thành phố Đà Lạt |
Ngay những ngày đầu năm mới 2016, du lịch Việt Nam đón nhận tin vui khi Đà Lạt được tờ New York Times bình chọn là 1 trong 152 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2016. Như thế, cùng với vịnh Hạ Long, SaPa, hang Sơn Đoòng… và hàng loạt món ăn nằm trong danh sách ẩm thực phải nếm thử của thế giới như phở, nem..., Việt Nam đã có “bệ phóng” đưa du lịch “bay” cao. Song, năm 2015, phải chật vật lắm ngành Du lịch mới đón được 7,94 triệu lượt du khách quốc tế, giảm 0,2% so với năm 2014. Hơn nữa, đây là năm đầu tiên khách ngoại đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009.
Nguyên nhân thì rất nhiều và đều đã được chỉ rõ. Trong đó, như đại diện Vietravel từng nói: Sản phẩm không có gì mới nhưng giá lại cao hơn các nước, khiến du lịch Việt Nam không thể cạnh tranh với Malaysia, Myanmar…
Hay như nhận định của ông Lại Minh Duy- Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh: Cộng đồng ASEAN đã ra đời nhưng đến thời điểm này vẫn “mạnh ai nấy làm” chứ chưa có sự hợp tác giữa các đơn vị du lịch nhằm không bị thua ngay trên sân nhà. Chiến lược và giải pháp để khắc phục những nguyên nhân đó cũng không thiếu, nhưng sau nhiều năm thực hiện, hiệu quả đột phá vẫn chưa thấy đâu.
Nhìn sang nước bạn, Chính phủ Thái Lan vừa công bố chiến lược phát triển ngành Du lịch với mục tiêu trở thành 1 trong 5 quốc gia du lịch hàng đầu thế giới trong 20 năm tới. Trong đó, Thái Lan hướng tới tận dụng các lợi thế của Cộng đồng ASEAN với việc đẩy mạnh liên kết du lịch với các nước láng giềng. Ngay cả khi chiến lược này chưa được ban hành, một thành phố của Thái Lan là Pattaya đã sớm triển khai dự án “Pattaya- ASEAN” từ đầu năm 2015. Dự án này sẽ kết nối các điểm du lịch của Thái Lan với Việt Nam. Không cần tính toán nhiều cũng thấy độ khả thi của dự án khi hiện nay, Cộng đồng ASEAN sẽ cho phép các du khách dễ dàng có được visa ASEAN và thoải mái ngao du tới 10 nước.
Xem ra, bạn không chỉ đánh thức tiềm năng mà còn chủ động hút khách bốn phương về mình với tầm và tâm thế hơn hẳn...