VCCI góp ý về Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu
Trong văn bản góp ý, VCCI cho rằng, Điều 33.2 của Dự thảo quy định giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sau, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2% so với mức trần tại Điều 34.
Địa bàn này được xác định theo Quyết định 1162/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phản ánh rằng, các địa bàn tại Quyết định 1162/QĐ-TTg chưa phản ánh hết các trường hợp chi phí vận chuyển xăng dầu tăng cao do khoảng cách xa so với nhà máy sản xuất hoặc cảng nhập khẩu xăng dầu như một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số khu vực cách xa nhà máy hoặc cảng nhập khẩu vào diện được tăng giá thêm 2%. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm động lực để đưa xăng dầu lên các khu vực trên, phục vụ đời sống kinh tế xã hội.
Dự thảo bổ sung quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan nhà nước (Ảnh: MP) |
Góp ý liên quan đến cơ chế giá bán xăng dầu, VCCI đề nghị cân nhắc hai phương án: Phương án 1: Cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán (không có giá trần), đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá để người tiêu dùng lựa chọn như: Niêm yết giá ở vị trí cao, to rộng, rõ ràng để người đi đường có thể nhìn rõ mà chưa cần phải chuyển hướng rẽ vào cây xăng; Kê khai giá trên một cổng thông tin chung và được công khai ngay lập tức để người tiêu dùng có thể so sánh giá giữa các cây xăng một cách trực tuyến.
Thêm vào đó, cơ quan nhà nước theo dõi diễn biến thị trường thường xuyên để phát hiện các trường hợp vi phạm Luật Cạnh tranh như: Lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh (giá bán cao bất hợp lý, Điều 27 Luật Cạnh tranh) hoặc thoả thuận hạn chế cạnh tranh (bắt tay làm giá, Điều 11 Luật Cạnh tranh).
Phương án 2: Bỏ thủ tục kê khai giá, hoặc miễn thủ tục này khi doanh nghiệp bán hàng đúng bằng giá trần theo quy định tại Điều 34 của Nghị định này.