Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1,5 ngày để chất vấn 9 lĩnh vực
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1,5 ngày tiến hành phiên chất vấn toàn diện, tổng thể từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023 liên quan đến 9 lĩnh vực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 36 |
Nhóm lĩnh vực thứ nhất là nhóm kinh tế - xã hội sẽ chất vấn liên quan đến 3 lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công Thương; Văn hóa, thể thao và du lịch.
Nhóm lĩnh vực thứ hai thuộc nhóm nội chính sẽ chất vấn liên quan đến 6 lĩnh vực: Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.
Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về 3 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 2 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng bệnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xem xét kỹ sự cần thiết của dự án, tính toán việc bổ sung vào thời điểm phù hợp, để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm tính khả thi của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tránh việc đưa vào rồi đến thời điểm gửi hồ sơ lại chậm, hoãn.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng đây là một sáng kiến mới, lần đầu tiên được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó có xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Cần Thơ, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Phú Yên.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sắp xếp cụ thể của các địa phương, khi Chính phủ gửi hồ sơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí thời gian để xem xét một cách tập trung, mỗi lần bố trí xem xét việc sắp xếp của 10 đến 20 địa phương, tránh phân tán, rải rác quá nhiều lần.