Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Băn khoăn việc giao cho Bộ Công an cấp, thu hồi giấy phép hành nghề?
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hộiNguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được bố cục lại cho rõ ràng, hợp lý, điều chỉnh vị trí các chương, đồng thời bổ sung, chỉnh lý tên một số chương, tách thêm mục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp |
Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý gồm 12 chương và 119 điều, nhiều hơn 13 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, bỏ 01 điều và bổ sung 14 điều.
Về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh (Điều 4), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát và bổ sung chính sách ưu tiên trong chăm sóc sức khoẻ đối với một số đối tượng và chính sách phát hệ thống cấp cứu tại cộng đồng, đầu tư cho y tế cơ sở.
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung việc ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động, tập trung đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, tại điểm a, khoản 1 Điều 4 đã quy định về ưu tiên bố trí ngân sách cho việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, trong đó bao gồm cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho công nhân lao động. Ngoài ra, pháp luật hiện hành đã có quy định về việc tổ chức, phát triển công trình y tế tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề (Điều 28), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước như quy định tại Điều 28.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với đối tượng thuộc thẩm quyền và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành, nếu giao Bộ Công an thì cần quy định lộ trình.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện được việc huy động các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội chuyên môn như định hướng tại Nghị quyết 20-NQ/TW. "Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các ý kiến góp ý này là xác đáng và sẽ tiếp tục cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu phương án tiếp thu" - bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Dự thảo Luật quy định mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có một giấy phép hoạt động không có thời hạn; các cơ sở phải duy trì tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu hoặc tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành, khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở hoặc từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật do tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài ban hành được Bộ Y tế thừa nhận.
Tuy nhiên, khi tiếp thu, chỉnh lý, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung chế tài đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu; có chính sách phù hợp để khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao.
"Trông đợi" một luật mới, khuôn khổ mới để hoạt động
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần thiết phải có những quy định để bảo vệ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, những người đang làm nghề chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh. Những con người này là những con người hết sức hy sinh. Có khi bố, mẹ còn đang ốm mà không chăm sóc được cho bố, mẹ mình mà phải chăm sóc cho người bệnh. Phải bảo vệ họ, phải tôn vinh họ và phải có những chế độ như thế nào đấy cho họ và cơ quan của họ.
Ông Định cũng cho rằng, luật này rất cấp bách, là yêu cầu của nhân dân, của đội ngũ y tế mong ngóng từng ngày, từng giờ. Phải nói ngành y tế đóng góp rất lớn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế cũng rất nhiều hy sinh, thiệt thòi.
"Ngành y tế, cán bộ, nhân viên y tế cũng như nhân dân rất trông đợi có một luật mới, một khuôn khổ mới để hoạt động cho dễ hơn, chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, công bằng, bình đẳng hơn" - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay, Thường trực Ủy ban Xã hội, Bộ Y tế và các cơ quan đã hết sức tích cực trong thời gian vừa qua để tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý về dự án luật này tại kỳ họp thứ ba. Đồng thời, tổ chức một số hội nghị, tọa đàm để xin ý kiến chuyên gia về dự án luật này và hết sức nỗ lực để có thể tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Tuy nhiên, đây dự án luật rất khó, rất nhiều nội dung phải có sự nghiên cứu hết sức thấu đáo, kỹ lưỡng. Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành ban hành cũng lâu rồi, nhiều nội dung đến thời điểm hiện nay không theo kịp thực tiễn của cuộc sống cho nên rất nhiều nội dung cần phải có sự điều chỉnh, có sự xem xét để quy định cho phù hợp, vì vậy khối lượng công việc đặt ra rất lớn.
"Đây là một dự án luật mà nhân dân rất trông chờ và rất nhiều vấn đề bức xúc trong hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh, mong mỏi của người bệnh trông chờ luật này ban hành sớm để có thể tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, làm sao đảm bảo tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân" - ông Hoàng Thanh Tùng bày tỏ.