Thứ sáu 22/11/2024 03:09
Phòng vệ thương mại

Ứng phó hiệu quả, đảm bảo xuất khẩu bền vững

Trong bối cảnh nền kinh tế tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp, các ngành sản xuất, xuất khẩu cần coi công cụ, biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) là yếu tố tất yếu trong môi trường kinh doanh, hội nhập.

Yếu tố tất yếu trong hội nhập

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, những năm gần đây xuất khẩu thép của Việt Nam đã đạt được những kết quả rất đáng mừng. Đặc biệt, dù phải đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng ngành thép Việt Nam vẫn có những bước bứt phá ngoạn mục. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 6,5 triệu tấn thép, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, cùng với tốc độ tăng trưởng đó, thép hiện là một trong những mặt hàng thường xuyên phải đối diện với nhiều vụ việc về PVTM.

Tại tọa đàm trực tuyến "Nâng cao năng lực PVTM hướng tới cán cân xuất nhập khẩu bền vững", ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong 10 năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, sản phẩm thép Việt Nam là một trong những mặt hàng có số lượng các vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra gia tăng đáng kể. “Việc Việt Nam tham gia sâu vào thị trường quốc tế thì việc hàng hóa xuất khẩu của nước ra nước ngoài bị điều tra về các vụ việc PVTM là điều dễ hiểu và hết sức bình thường. Nhất là đối với những ngành quan trọng, đóng vai trò xương sống của ngành công nghiệp như ngành thép”- ông Thái nhấn mạnh.

Thép là một trong các mặt hàng đã và đang đối diện nhiều vụ việc về PVTM

Đề cập đến các biện pháp PVTM, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương khẳng định, PVTM hiện là một phần tất yếu không thể tách rời của quá trình hội nhập quốc tế; là công cụ để đảm bảo cho quá trình hội nhập kinh tế, cũng như đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững. Thực tế đang cho thấy, xu thế bảo hộ gia tăng, tác động của bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng có nhiều quốc gia càng đẩy mạnh sử dụng biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Theo thống kê trên thế giới đến nay có 4.500 biện pháp PVTM được áp dụng, các ngành bị áp dụng các biện pháp này nhiều nhất là ngành sắt thép, kim loại cơ bản, hóa chất (phân bón). Đối với Việt Nam, đến nay đã có 208 vụ việc PVTM của nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu. Nhiều nhất trong số này là mặt hàng sắt thép và một số mặt hàng thế mạnh khác như thủy sản, dệt may, gỗ… “Các biện PVTM đối với các mặt hàng xuất khẩu gia tăng nhanh chóng một phần xuất phát từ năng lực sản xuất, năng lực xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cải thiện”- ông Dũng nêu rõ.

So với thế giới, công cụ PVTM tại Việt Nam ra đời muộn hơn, do đó, trong giai đoạn đầu khi đối mặt với các vụ kiện về PVTM, các doanh nghiệp hầu hết còn lúng túng trong ứng phó. Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ, khi đối diện với nhiều vụ việc nhiều doanh nghiệp thép đều thiếu chủ động trong việc chuẩn bị tham gia kháng kiện. Việc năng lực ứng phó hạn chế là do doanh nghiệp hiểu về công cụ PVTM chưa đầy đủ, đồng thời khả năng để tham gia kháng kiện còn yếu dẫn đến sự lúng túng nhất định khi phải đối mặt giải quyết tranh chấp.

Cải thiện năng lực ứng phó

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thép Đông Nam Á cho hay, qua theo dõi diễn biến gần đây, các vụ kiện PVTM không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Úc, châu Âu… mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đối với thép xuất khẩu của Việt Nam và tình hình này đã diễn ra đối với nhiều mặt hàng khác nữa. Điều này đang cho thấy xu hướng rất rõ là trong thời gian tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện PVTM ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào. Vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện năng lực ứng phó về PVTM.

Trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế, ông Lê Triệu Dũng cũng đưa ra khuyến nghị, các doanh nghiệp, các ngành sản xuất, xuất khẩu cần coi PVTM là công cụ, biện pháp tất yếu trong môi trường kinh doanh, hội nhập. Từ nhận thức đó chúng ta sẽ đề ra được các chiến lược về sản xuất, sản phẩm, thị trường cũng như chiến lược về ứng phó với các vụ việc PVTM kịp thời. “Hiện tại các Hiệp định thương mại truyền thống cũng như thế hệ mới đều có những điều khoản về PVTM, vì vậy biện pháp này sẽ trở thành một trụ cột đảm bảo công bằng và cạnh tranh cho doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước. Hơn lúc nào hết đây chính là thời điểm cần nâng cao nhận thức về PVTM”- ông Dũng nhấn mạnh.

Để giảm thiểu các nguy cơ từ các vụ việc PVTM, theo ông Nghiêm Xuân Đa, một trong những giải pháp đặt ra đối với cộng đồng doanh nghiệp đó là cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro; tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường, cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và phát triển thương hiệu.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam thông tin thêm, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thép đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhờ đó, thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra các thị trường lớn, đòi hỏi khắc khe về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường như Mỹ, châu Âu,… "Nhiều thương hiệu thép Việt như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á đã hiện diện trên thị trường toàn cầu. Chúng tôi tin tưởng rằng, ngành thép sẽ có bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới”- ông Đa cho hay.

Nhận thức được tầm quan trọng của công cụ PVTM, Chính phủ và Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành hàng. Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới". Một trong các mục tiêu của Đề án đặt ra đó là tăng cường trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM đội ngũ cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, tạo điều kiện để đội ngũ chuyên gia, tư vấn pháp lý có kiến thức chuyên sâu hỗ trợ các ngành sản xuất, nhằm đảm bảo quyền lợi của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Ông Lê Triệu Dũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương, Cục PVTM và các bên liên quan sẽ triển khai những đề án lớn về PVTM; đồng thời tích cực phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai, thực hiện một số giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và nhiều ngành sản xuất giảm thiểu tác động của các biện pháp PVTM đến kết quả xuất khẩu.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Hoa Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, cán cân thương mại được cải thiện

Nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia

Thương mại biên giới: Bước chuyển tích cực

Đủ điện cho phục hồi kinh tế năm 2022

Lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế, doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Doanh nghiệp đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn

Xuất khẩu gạo: Kỳ vọng nào cho cuối năm?

Đảm bảo lợi ích ngành mía đường trong nước

Tưng bừng các hoạt động “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnightsale”

Gỡ “nút thắt” thúc đẩy năng lượng tái tạo

Khởi động ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday lớn nhất năm

Xây dựng luật phát triển công nghiệp: Không nhanh sẽ lỡ nhịp

Quyết định tổ chức “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2021”

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Địa phương giữ vai trò quan trọng

Hơn 100 gian hàng tham gia tại Tuần hàng Việt huyện Ba Vì 2021

Đưa nông sản Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử

Tăng tốc các hoạt động xúc tiến thương mại dịp cuối năm

Từ câu chuyện vận chuyển vải thiều đến logistics cho nông sản

Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển

Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2021 - Vietnam Grand Sale 2021: Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong trạng thái bình thường mới