Ứng phó đại dịch Covid-19: Chuyển sang thế tấn công
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến Chủ động ứng phó và xử lý dịch Covid-19 trong tình huống khẩn cấp, do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 11/5, tại hơn 700 điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đang diễn biến khá nghiêm trọng. Chỉ trong vòng hai tuần, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm bệnh, trong đó chủng virus biến thể siêu lây nhiễm Anh, Ấn Độ có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Khẩn trương thực hiện xét nghiệm. Ảnh: Cấn Dũng |
Việt Nam đã ghi nhận 5 biến chủng gây bệnh Covid-19 gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19/12/2020; A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) và biến chủng ghi nhận tại bệnh nhân tử vong người Nhật Bản cũng như chùm ca bệnh tại Hà Nội. Trong 5 biến chủng nêu trên, biến chủng Anh và Ấn Độ được xác định có khả năng lây lan nhanh. Biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí.
Với những đặc tính biến thể mới của SARS-CoV-2 hiện nay, chuyên gia y tế khuyến cáo, việc khẩn trương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm dịch Covid-19 là trách nhiệm không của riêng ai. Người dân hãy tuân thủ tốt thông điệp 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”. Mọi người dân cần chủ động cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch; chủ động tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, người đi về từ vùng dịch để được cách ly phòng dịch theo quy định… Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện.
Đối với việc một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế nhiễm Covid-19, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, cần thực hiện việc giãn cách, xử lý, xây dựng phương án khi số ca bệnh gia tăng. Bên cạnh đó, xây dựng bệnh viện dã chiến, chiến lược xét nghiệm, đảm bảo công tác tiêm chủng vaccine... Sở Y tế cần xây dựng phương án ứng phó như trong trường hợp không có dịch, có ca lẻ tẻ, hoặc dịch lan rộng. Về việc chuẩn bị xây dựng bệnh viện dã chiến, các sở y tế nên chủ động đề xuất với địa phương, sẵn sàng nhân lực trang thiết bị, thuốc theo tinh thần “4 tại chỗ” là: Dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.
Với vấn đề tiêm chủng, Bộ Y tế cũng có kế hoạch chuẩn bị 110 triệu liều vaccine và cố gắng trong năm 2021 sẽ thực hiện đợt tiêm phòng với quy mô lớn. Hiện, Việt Nam đã đàm phán với các nước, tổ chức trên thế giới để tiếp cận nguồn vaccine. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề nghị Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, không kể đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân nhập khẩu vaccine phòng Covid-19.
Bên cạnh nhóm ưu tiên, khi nguồn cung vaccine tăng lên, việc tiêm chủng sẽ mở rộng nhiều nhóm đối tượng và theo yêu cầu. Với hình thức tiêm dịch vụ, người dân có nhu cầu có thể tiếp cận vaccine một cách công bằng với tiêu chí công khai, minh bạch về chi phí, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục triển khai đảm bảo an toàn trong tiêm chủng vaccine. Ngoài ra, các địa phương cần tập huấn, xây dựng và tổ chức phương án xét nghiệm, ca bệnh nào xét nghiệm gộp mẫu, trường hợp nào xét nghiệm test nhanh…
Hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã ban hành Công điện 615/CĐ-BCĐQG về việc nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao nhất; ban hành Công điện 628/CĐ-BCĐQG về việc giãn cách, xét nghiệm tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối và trường đại học.
Từ ngày 27/4 đến sáng ngày 12/5, Việt Nam ghi nhận 561 ca mắc trong nước, với 255.058 mẫu xét nghiệm được thực hiện. Trong 15 ngày qua, tốc độ lây lan dịch rất nhanh. Đặc biệt, đã xuất hiện ca bệnh ở các cơ sở khám chữa bệnh như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K Tân Triều và lan rộng ra nhiều tỉnh thành trong nước. |