Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: Duy trì dưới 4%
Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu lao động. Tính riêng trong quý III/2021, cả nước có 4,7 triệu lao động bị mất việc; 14,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc; 12 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập...
Hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động |
Trước thực trạng đó, nhà nước đã ban hành nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ trực tiếp NLĐ và DN vượt qua khó khăn, giúp DN sớm quay lại hoạt động. Tại Công ty Cổ phần (CP) Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, không khí lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm đã rất hối hả. Số lượng lao động làm việc trong DN tương đối ổn định. NLĐ cơ bản chấp hành tốt các quy định và đi làm đúng lịch. Có được điều đó chính là do các chính sách kịp thời của nhà nước và DN đã quan tâm, nâng cao đời sống, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với NLĐ.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công - chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hồi quý II - III/2021, toàn TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, DN đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình hỗ trợ NLĐ nhằm chia sẻ khó khăn; chăm lo việc làm, tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi của NLĐ. Bên cạnh đó, DN cũng liên kết và phối hợp với Sở Công Thương thành phố, Ban quản lý khu công nghiệp… động viên NLĐ yên tâm làm việc, sản xuất. Nhờ vậy, khi TP. Hồ Chí Minh mở cửa trở lại, số lượng NLĐ của Dệt may Thành Công đi làm lại đến 86%. “Để đáp ứng cho nhu cầu tăng đơn hàng trong năm 2022, DN đã triển khai xây dựng nhà máy mới tại tỉnh Vĩnh Long với lực lượng lao động tuyển dụng dự kiến 1.500 người” - ông Trần Như Tùng cho hay.
Không chỉ tại các DN, ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hà Nội - cho biết, ngay trong những ngày đầu năm mới, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 30 hồ sơ DN đăng ký tuyển dụng lao động. Thị trường lao động ở Hà Nội đầu năm rất náo nhiệt, nhiều công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm công nhân. Các công ty có nhu cầu tuyển dụng cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng, hướng đến thích ứng lâu dài với dịch Covid-19.
Để đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, tiếp tục duy trì hoạt động các phiên giao dịch việc làm, tăng cường kết nối giữa DN và NLĐ. “Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ đề xuất tổ chức những phiên giao dịch việc làm chuyên đề gắn với một số lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh” - ông Vũ Quang Thành cho hay.
Thời gian tới, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn có thể tác động đến một bộ phận NLĐ, đặc biệt là ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, ngành lao động đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ từng bước đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH về Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển lao động, đề ra một số mục tiêu về lao động, việc làm cho năm 2022. Theo đó, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; hỗ trợ NLĐ làm việc tại các DN thuộc vùng kinh tế trọng điểm, địa phương có khu kinh tế, KCN, khu công nghệ cao yên tâm làm việc… |