Tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên trên sàn thương mại điện tử |
Chùm ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham quan gian hàng xúc tiến nông sản tại Hưng Yên |
Sáng ngày 25/8, tại 489 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) diễn ra Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên - nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên Năm 2023. Đây là dịp quảng bá, tuyên truyền, phát triển thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên tại thị trường TP. Hà Nội, tạo điều kiện cho người dân Thủ đô có cơ hội được tiếp cận với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Ngoài ra, chương trình cũng tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh nông sản gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ nhãn lồng - Nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên tại Hà Nội năm 2023 |
Nhãn lồng Hưng Yên là loại trái cây đặc trưng của tỉnh Hưng Yên với đặc điểm nổi bật là quả tròn, vỏ màu nâu sẫm, với hương vị đặc trưng, mùi thơm, cùi quả dày, ráo nước, cơm nhãn màu trắng trong, giòn, vị ngọt đậm… Sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Mang đến sự kiện lần này 15 gian hàng và duy trì trong 7 ngày của các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và TP. Hưng Yên, mỗi huyện và thành phố chọn ra 3 gian hàng tiêu biểu quảng bá và bán sản phẩm nhãn lồng và các sản phẩm được chế biến từ nhãn là các sản phẩm nông sản đặc trưng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh quả nhãn, nhiều đặc sản khác làm từ nhãn như mật ong, long nhãn của tỉnh Hưng Yên cũng được giới thiệu, quảng bá đến người dân Thủ đô |
Tỉnh Hưng Yên có khoảng 15.000 ha cây ăn quả các loại; trong đó một số nông sản chủ lực có diện tích, sản lượng lớn: Cây nhãn có diện tích hơn 5.000 ha, sản lượng khoảng 45.000 tấn. Diện tích cây nhãn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đến nay hơn 1.300 ha; được trồng nhiều ở thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Khoái Châu. Cây có múi diện tích hơn 4.300 ha; sản lượng khoảng 65.000 tấn; chủ yếu là cam Hưng Yên, cam V2, quýt đường Canh, bưởi Phú Diễn, bưởi Da xanh, bưởi Hoàng Trạch, được trồng nhiều tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên.
Nhiều gian hàng đặc sản bày trí ấn tượng và bắt mắt |
Diện tích cây có múi sản xuất theo quy trình VietGAP đạt hơn 1.000 ha, cho sản lượng khoảng hơn 20.000 tấn quả tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra tỉnh Hưng Yên còn có một số loại cây ăn quả khác như; chuối, vải...
Để tạo “đòn bẩy” mở rộng đầu ra cho nông sản, tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại khi đến vụ thu hoạch những loại cây ăn quả chủ lực, như: Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên; Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tại nhiều điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước và tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Australia.
Sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu những loại nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh Hưng Yên |
Tuần lễ Nhãn lồng - nông sản tiêu biểu tỉnh Hưng Yên tổ chức tại Hà Nội trưng bày, bán nhãn lồng và sản phẩm chế biến từ nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Phiên chợ vải lai chín sớm; phiên chợ cam Hưng Yên được tổ chức tại Khu Đô thị Ecopark, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang...
Những chương trình xúc tiến thương mại đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà vườn, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; qua đó đã quảng bá, giới thiệu những loại nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh Hưng Yên, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, nâng cao giá trị và thu nhập của người nông dân.
Thông qua tuần lễ nhãn lồng, ban tổ chức muốn giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận trái nhãn lồng có thương hiệu, sản phẩm được đóng gói với đầy đủ thông tin về chứng nhận VietGAP, chỉ dẫn địa lý, in logo với nhãn mác bắt mắt...