Từ vụ quay lén ở The Sóng Vũng Tàu: Chủ nhà có được lắp camera theo dõi khách?
Người trong cuộc lên tiếng
Ngày 7/8, chị K.V - người quản lý căn hộ bị khách hàng tố gắn camera bên trong căn hộ tại dự án The Sóng (TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, những ngày qua đã rất suy sụp khi những hình ảnh, tin nhắn của chị bị chia sẻ trên mạng xã hội và bị nhiều tài khoản có những bình luận công kích.
Nội dung bài đăng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình) |
Theo chị K.V., chị không phải là chủ căn hộ mà là người làm dịch vụ, căn hộ này cũng chỉ thỉnh thoảng mới đón khách, thường chỉ vào dịp cuối tuần.
Khách thuê căn hộ trước đó liên hệ với một bạn sales khác, từ người đó kết nối với chị K.V để thuê vào ngày 2/8. Khi khách phát hiện có camera, khách đã gỡ luôn cả 2 chiếc ra, và thông tin đến bạn sales ban đầu.
Phía chủ nhà yêu cầu chị K.V bồi thường 50% tiền camera, do khách tự ý gỡ, gây hư hỏng, do đó chị K.V đã trao đổi qua lại với khách. "Trong lúc nhắn tin tôi có nói từ "The Sóng gắn đầy mà", ý của tôi là các camera gắn tại những khu vực chung, chứ không có ý là bên trong các căn hộ ở The Sóng đều có camera", chị K.V. chia sẻ.
Nói về lý do gắn camera trong căn hộ cho thuê, chị K.V cho hay trước đó từng có người lấy đi tài sản có giá trị nên chủ nhà đã chủ động gắn camera với mục đích theo dõi an ninh, đề phòng mất tài sản.
Chị K.V cũng thấy rằng việc có camera bên trong căn hộ nhưng khách không hề biết là do sơ suất từ phía chị, đã khiến khách hàng có trải nghiệm không tốt.
Khách thuê homestay đính chính thông tin (Ảnh chụp màn hình) |
Cùng ngày, chủ tài khoản L.L (khách thuê homestay) tiếp tục có bài viết trên mạng xã hội để nói rõ sự việc.
Cụ thể, vị khách này thông tin, đã nhận được lời xin lỗi từ phía chủ nhà cũng như quản lý tại căn hộ The Sóng.
Đồng thời, chị L.L cũng nói rõ, không hề đánh đồng hết tất cả các căn hộ tại The Sóng mà chỉ nói riêng căn hộ chị thuê.
Lắp camera trong căn hộ cho thuê phải thông báo với khách hàng
Về sự việc trên, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Đào Nguyên Thuật - Giám đốc Công ty Luật Bắc Hà Nội cho biết, pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định cụ thể nào về việc lắp camera hoặc các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình tại các địa điểm lưu trú. Việc lắp đặt camera là quyền cá nhân của chủ cơ sở mà pháp luật không ngăn cấm.
“Việc lắp đặt camera là cần thiết để bảo đảm an toàn cho cơ sở kinh doanh nói chung và cho khách thuê nói riêng. Đây cũng là cách giúp phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra như trộm cướp, mất cắp,…”, Luật sư Thuật thông tin.
Hình ảnh các vị trí đặt camera bên trong căn hộ được tài khoản L.L chia sẻ (Ảnh chụp màn hình) |
Tuy nhiên, việc lắp camera ở đâu để vừa giúp phòng tránh rủi ro vừa đảm bảo an toàn pháp lý là điều cần phải cân nhắc.
“Theo quy định chung của Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch thuê phòng ở là giao dịch dân sự, là hợp đồng thuê giữa khách và chủ cơ sở, bị điều chỉnh bởi quy định pháp luật có liên quan. Trong thời hạn thuê, khách thuê có toàn quyền sử dụng diện tích phòng mình thuê. Nếu chủ cơ sở có lắp đặt camera từ trước thì phải thông báo cho khách thuê phòng. Nếu khách không chấp nhận thì có thể tháo dỡ hoặc tắt camera”, Luật sư Đào Nguyên Thuật lưu ý.
Trường hợp chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có gắn camera hoạt động nhưng không thông báo cho khách thuê, có thể đã vi phạm về thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó. Hành vi này có khả năng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP).
Nếu chủ cơ sở lưu trú lắp các thiết bị ghi âm, ghi hình trong những khu vực nhạy cảm (như phòng ngủ, toilet, phòng thay đồ) mà không có sự đồng ý của khách rồi dùng những hình ảnh đó vào mục đích xấu (như bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người có hình ảnh hoặc đe dọa tống tiền, gây áp lực buộc người có hình ảnh trong đoạn clip thực hiện một việc trái với ý muốn của họ nhằm chiếm đoạt tài sản…) thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Nếu sử dụng để đăng tải hình ảnh nhạy cảm lên các phương tiện truyền thông hoặc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi có thể bị xử lý hình sự nếu có yếu tố phạm tội như tại Điều 155 Bộ luật Hình sự (khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù). Nếu dùng hình ảnh đó để cưỡng đoạt tài sản hoặc đe dọa tống tiền thì có thể bị xử lý theo Điều 170 Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản (khung hình phạt có thể đến 12 năm tù)”, Luật sư Đào Nguyên Thuật cho biết thêm.