Thứ năm 21/11/2024 18:36
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số:

Từ định hướng của Đảng đến những tấm gương sáng trong đời sống

Nhận thức rõ vai trò của người có uy tín trong nhân dân, đặc biệt là người có uy tín trong đồng bào DTTS, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến đối tượng này.

Xây dựng đội ngũ người có uy tín

Trong mỗi cộng đồng làng xã, thôn bản đều có những nhân tố được tập thể tín nhiệm, có vai trò dẫn dắt và có tiếng nói. Họ có thể là trưởng xóm, trưởng thôn, già làng, trưởng bản hay là những người cao tuổi của một dòng họ, cộng đồng có lối sống mẫu mực được bà con trong khu vực tin yêu, nể trọng. Ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, những cá nhân này không chỉ có tiếng nói trong cộng đồng mà còn là nhân tố tích cực, cùng với chính quyền lãnh đạo, tham gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở cơ sở.

Phát huy vai trò người có uy tín - cầu nối gắn kết ý Đảng, lòng dân

Nhận thức rõ vai trò của người có uy tín trong nhân dân, đặc biệt là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến đối tượng này. Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số công tác ở vùng dân tộc Mông đã yêu cầu: “Ban Tổ chức Trung ương cùng với Ban Tổ chức và cán bộ của Chính phủ xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ cơ sở, trưởng bản, già làng, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu, lực lượng vũ trang… tham gia hoạt động trong vùng dân tộc Mông”. Đây là lần đầu tiên, nhóm người già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu đã được nêu lên trong một văn bản quan trọng của Đảng với tư cách như một bộ phận chủ thể có vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển tình hình kinh tế - xã hội của vùng dân tộc Mông.

Để cụ thể và sát hơn với tình hình thực tế khi vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản ngày càng được đề cao trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, Chỉ thị 45-CT/TW đã được ban hành, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 1996) yêu cầu: “Động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu, có uy tín trong dân tộc và ở địa phương”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa, lần đầu tiên cụm từ “người tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc và ở địa phương” đã được nêu đích danh trong văn kiện của Đảng. Đây chính là căn cứ chính trị cho các văn kiện khác sau này về công tác dân tộc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc (Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003) cũng đã nêu rõ: “Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các địa bàn dân cư vùng dân tộc và miền núi”.

Tiếp theo đó, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh: “Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; động viên, phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc”.

Đồng thời, nhiều các văn bản khác của Đảng sau này đã nhấn mạnh vai trò và yêu cầu phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử như: Kết luận 57-KL/TW ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Kết luận số 68-KL/TW ngày 10/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng cốt cán và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng người Hoa; Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục yêu cầu: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số”

Cụ thể hóa đường lối của Đảng về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đã ban hành một số nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị, quyết định, đơn cử như: Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định Chính sách đối với người có uy tín ở vùng dân tộc thiểu số; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 2561/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 về phê duyệt Đề án tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số…

Từ những định hướng của Đảng, Chính phủ, hiện thực hóa công tác nâng cao vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách cho đối tượng này cũng đã được Chính phủ ban hành. Đồng thời, trong nhiều năm qua, các tỉnh, thành và Chính phủ cũng đã tổ chức các buổi gặp mặt Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản, nghệ nhân người dân tộc thiểu số tiêu biểu tại địa phương và trên toàn quốc để tuyên dương những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc, là những hạt nhân đoàn kết, tham gia thực hiện tốt Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phát huy tốt uy tín của mình tại xóm làng, thôn bản

Tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, người có uy tín được xác định: “Là công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; Là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc; Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo”.

Phát huy tinh thần này, ở nhiều địa phương trên cả nước, công tác dân tộc nói chung và việc phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung đã được triển khai sâu rộng. Nhiều người có uy tín đã thực sự là tấm gương sáng, đi đầu trong công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng chính quyền giữ ổn định trật tự, xã hội tại địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và các đại biểu dự Hội nghị. Nguồn ảnh: nhandan.vn

Đơn cử như tại tỉnh Tuyên Quang, sau hơn 2 năm triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, đội ngũ những người có uy tín trên địa bàn tỉnh là “cánh tay” đắc lực vừa cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, vừa tiên phong, làm gương để đồng bào DTTS noi theo.

Xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa) những ngày này đang nhộn nhịp các công trình xây dựng thuộc các Dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dẫn chúng tôi tham quan tuyến đường bê tông nội đồng Pác Hóp, anh Hoàn Văn Kín, cán bộ văn hóa xã giới thiệu: Riêng tuyến đường 250 m vừa được đưa vào sử dụng năm 2022, nhân dân thôn Pác Hóp đã hiến khoảng 1.000 m2 đất. Trong đó, bà Ma Thị Linh, người có uy tín của thôn, người đầu tiên trong thôn hiến đất với diện tích khoảng 60 m2. Trước đó, năm 2021, triển khai xây dựng tuyến đường liên thôn, bà Linh đã hiến khoảng 150 m2 để làm đường. Những tấm gương người có uy tín như bà Linh được cấp ủy, chính quyền xã luôn đề cao, tuyên truyền, biểu dương để phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trên địa bàn xã, góp sức thực hiện thành công Chương trình.

Nhà văn hóa thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (huyện Yên Sơn) đang chuẩn bị triển khai xây dựng. Công trình có diện tích 105 m2; 80 chỗ ngồi; Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng thỏa nỗi ước ao của 63 hộ là đồng bào dân tộc Mông bấy lâu nay không có nhà văn hóa. Anh Hoàng Ngọc Phương, Bí thư Chi bộ cho biết, thôn đang triển khai vận động nhân dân đóng góp các nguồn lực để làm nhà văn hóa. Với thôn đặc biệt khó khăn, đó là điều không dễ dàng. Ông Ngô Văn Thanh, người có uy tín của thôn đã không ngại khó, ngại khổ cùng với chi bộ, thôn xuống từng hộ để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu vì sao phải xã hội hóa để xây dựng công trình. 100% hộ đồng bào Mông đã chấp thuận. Thôn đang triển khai thu tiền của hộ dân.

Nhờ có vai trò của người có uy tín, dự án nâng cấp tuyến đường từ thôn Cây Thông đi thôn Cây Quéo, thôn Thắng Bình, xã Hùng Đức (huyện Hàm Yên) nhanh chóng được giải phóng mặt bằng.

Được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín ở cộng đồng dân cư từ nhiều năm qua, ông Hoàng Văn Thiên, thôn Thắng Bình, xã Hùng Đức (huyện Hàm Yên) luôn phát huy vai trò, tiếng nói của mình trong những công việc chung của thôn, của xã. Xác định, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là chương trình mới, đối tượng thụ hưởng chính sách nhiều, ông Thiên tích cực tham gia các lớp tập huấn, tự nghiên cứu, tìm tòi để đồng hành với cấp ủy, chính quyền xã, thôn trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của chương trình. Đầu năm 2023, bắt đầu triển khai dự án nâng cấp tuyến đường từ thôn Cây Thông đi thôn Cây Quéo, thôn Thắng Bình, ông cùng với chi bộ, thôn vận động nhân dân giải phóng mặt bằng không đền bù. Trong đó, đã có hàng chục hộ dân hiến đất với diện tích khoảng 2.500 m2.

​Thực hiện mục tiêu về thu nhập trong chương trình mục tiêu quốc gia, ông Triệu Quốc Khánh, Bí thư Chi bộ, người có uy tín thôn Khe Mon, xã Thái Hòa (Hàm Yên) tích cực phát triển kinh tế, nêu gương trong đồng bào DTTS.

Tuyên Quang hiện có 1.115 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 1.242 nam, 88 nữ. Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trọng dụng, tin tưởng bởi sức ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những tấm gương người có uy tín như ông Ngô Văn Thanh, ông Hoàng Văn Thiên, bà Ma Thị Linh được cộng đồng đánh giá cao và trân trọng ghi nhận, xứng đáng với niềm tin của Đảng, chính quyền và người dân. Phát huy đội ngũ người có uy tín, đổi mới công tác bồi dưỡng cho người có uy tín nhằm nâng cao hiệu quả kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng cho người có uy tín là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh.

Cả nước hiện có hơn 39 nghìn người có uy tín trong cộng đồng 53 dân tộc thiểu số tại 52 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các tỉnh có số lượng người có uy tín đông gồm: Cao Bằng xây dựng được gần 2.300 người; Bắc Kạn: 1.192 người; Lạng Sơn: 1.916 người; Hà Giang: 1.897 người; Tuyên Quang: 1.132 người…

Người có uy tín tại các vùng dân tộc thiểu số luôn gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận; tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; đi đầu trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu dân cư.

Thùy Linh - Bích Hằng
Bài viết cùng chủ đề: Dân tộc thiểu số

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá

Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng đón nhận xếp hạng di tích lịch sử

Quảng Ninh nỗ lực tăng thu ngân sách nội địa, tạo nguồn lực cho phát triển

Quảng Ninh: Liên kết hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tập thể

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

Nam Định phân hạng và công nhận lại 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Bắc Ninh nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Quảng Ninh: Mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách du lịch

Quảng Ninh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công

Độc đáo hoạt động thả diều nghệ thuật ở thị trấn Sông Đốc – Cà Mau

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ nội địa hoá với sản xuất xe máy tại Honda đạt 96%

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ

Hòa Bình đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành

Bắc Ninh bàn giải pháp gỡ khó cho phát triển và quản lý chợ

Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo khu vực miền Trung năm 2024

Bắc Ninh tổ chức gặp mặt doanh nhân chuyên đề tháng 11/2024

Nhân sự phía Nam: Điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt các tỉnh: Cà Mau, An Giang và 4 địa phương

Lạng Sơn thông báo tình hình thực hiện các dự án trọng điểm quý III/2024

Quảng Nam: Khu điều trị kỹ thuật cao “đứng bánh” vì thiếu trang thiết bị y tế