Thứ hai 23/12/2024 14:06

TS. Võ Trí Thành: Thái độ của người tiêu dùng phản ánh thương hiệu doanh nghiệp

Theo TS. Võ Trí Thành, thái độ của người tiêu dùng phán ánh thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp cùng câu chuyện sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm.

Trao đổi với Báo Công Thương, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã chia sẻ quan điểm về câu chuyện xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và mối quan hệ hữu cơ với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Doanh nghiệp bảo vệ người tiêu dùng cũng chính là nâng cao thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp mình. Là một chuyên gia về thương hiệu, ông có nhận định như thế nào về mối quan hệ tương hỗ này?

Chúng ta đang đề cập đến hai tác nhân quan trọng nhất trên thị trường, đó là đơn vị sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Hai bên có mối quan hệ hữu cơ, cộng sinh với nhau.

Trước kia, thị trường ở thế “Trăm người bán, vạn người mua”, thị trường chịu sự chi phối của người bán, doanh nghiệp không bán cho người này thì bán cho người khác. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp và chính người tiêu dùng đã có ý thức về vai trò và quyền lợi của người tiêu dùng.

TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Người tiêu dùng là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững, sự sống còn của doanh nghiệp. Nếu không được người tiêu dùng ủng hộ thì hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp rất khó tồn tại trên thị trường. Sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, doanh nghiệp không đảm bảo tiêu chí về trách nhiệm xã hội, ứng xử với người tiêu dùng… thì rất có thể bị quay lưng. Đặc biệt trong bối cảnh mới, người tiêu dùng có khả năng tiếp cận, phản ánh, chia sẻ thông tin và sử dụng các thiết chế để bảo vệ quyền lợi của mình.

Bảo vệ người tiêu dùng còn gắn với việc phát triển đất nước. Không phải ngẫu nhiên trong tất cả các cam kết quốc tế, khi đàm phán và đi đến ký kết đều có những điều khoản về bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến môi trường, y tế,… mà không một quốc gia, doanh nghiệp nào được phép vi phạm và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới việc quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng là do người dân chưa chủ động tố giác sai phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc nếu có tố giác thì chế tài xử lý của chúng ta chưa đủ mạnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trong những câu chuyện sai phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, nhiều người có tâm lý tặc lưỡi bỏ qua, cho rằng vai trò và tiếng nói của mình không quan trọng, hoặc chưa nắm rõ quy định pháp luật để phản ánh đến những cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện đó, ở đây tôi muốn nhấn mạnh một điều quan trọng, đó là chúng ta phải hiểu người tiêu dùng hiện nay, lối sống hiện nay và có cách sản xuất, kinh doanh bắt nhịp.

Ví dụ như chúng ta nói đến sản xuất, kinh doanh “xanh”, “bền vững”, nói đến trách nhiệm xã hội, đó không chỉ là khẩu hiệu mà là trò chơi thị trường thật sự. Bởi vì doanh nghiệp phải làm đúng, sản phẩm phải chất lượng thì người tiêu dùng mới bỏ tiền ra mua hàng hóa, dịch vụ.

Như vậy là người tiêu dùng có vai trò thúc đẩy tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, quá trình cạnh tranh. Và quan trọng là chúng ta làm sao để dần dần người Việt Nam thực sự tự hào dùng hàng Việt Nam.

Như vậy, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng cần có ý thức trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng, bởi đằng sau đó là lợi ích lâu dài của người tiêu dùng và sự thúc đẩy phát triển cho doanh nghiệp Việt.

Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, để thương hiệu của doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, ông có những khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp?

Hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn cần phát triển các doanh nghiệp tầm cỡ, có tính dẫn dắt, lan tỏa, và hình ảnh trên trường quốc tế là rất quan trọng.

Xây dựng thương hiệu là khiến người tiêu dùng chấp nhận, biến thành hành động mua hàng và lan tỏa ra cộng đồng. Đó là thước đo rất quan trọng cho thương hiệu và giá trị của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang các nước phát triển, những thị trường khó tính, xuất khẩu được bền vững thì đó cũng là thước đo chứng tỏ được năng lực, chất lượng, tên tuổi của doanh nghiệp.

Về việc xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh, logo, khẩu hiệu, hoạt động quảng bá… chưa phải những yếu tố quyết định. Thương hiệu là quá khứ, là hiện tại, là tương lai; thương hiệu phải thể hiện được tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp, phải có câu chuyện về doanh nghiệp, câu chuyện về công nghệ, quá trình sản xuất kinh doanh, trách nhiệm môi trường, trách nhiệm xã hội, được kể bằng sự chân thành, trung thực, gắn với xu thế.

Xây dựng thương hiệu là khiến người tiêu dùng chấp nhận, biến thành hành động mua hàng và lan tỏa ra cộng đồng

Bên cạnh đó, cần nhận thức rằng, xây dựng thương hiệu không chỉ mang tính cá nhân mà cần gắn với ý thức với ngành nghề. Nếu mình sai thì sẽ dẫn đến hệ lụy cho cả các doanh nghiệp khác. Một doanh nghiệp bán lẻ không đảm bảo tiêu chuẩn thì người tiêu dùng có quyền nghi ngờ tất cả doanh nghiệp bán lẻ khác. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng phải có ý thức cộng đồng.

Mở rộng hơn, cả Nhà nước, cả người tiêu dùng và nhà sản xuất kinh doanh cần hiểu vai trò của mình, vai trò đó phải gắn với 2 câu: Có trách nhiệm - bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng bảo vệ một cách có trách nhiệm; Lòng tin - niềm tin có từ chất lượng sản phẩm, cách ứng xử của doanh nghiệp, sự minh bạch thông tin…

Năm 2024, trên cơ sở Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 mới được ban hành và yêu cầu của người tiêu dùng đối với việc được cung cấp thông tin chính xác, an toàn, Bộ Công Thương tiếp tục lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” giống như năm 2023, ý kiến của ông về việc tiếp tục chọn chủ đề này?

Đối với chủ để hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, tôi nghĩ là cần thiết. Đặc biệt, vế “thông tin minh bạch” là vô cùng quan trọng. “Tiêu dùng an toàn” cũng là vấn đề rất cấp thiết hiện nay, từ câu chuyện hàng giả, hàng nhái đến an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lớn hơn về “tiêu dùng”. Tôi nghĩ từ bao quát nhất là “bền vững”, gắn với những đòi hỏi về an toàn nhưng cũng gắn với xu thế của cuộc cách mạng tiêu dùng hiện nay: An toàn, xanh, nhân văn, thậm chí là cá tính, cá thể hóa. Khi chúng ta triển khai hành động theo mục tiêu và định hướng như vậy không chỉ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng mà cũng chính là phục vụ cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh lâu bền.

Việc chúng ta tuân thủ, thực thi tốt Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cơ sở để trong quá trình phát triển, chúng ta tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cũng như các thiết chế để xử lý các vấn đề có thể phát sinh trong tương tác giữa hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Chúng ta rất chú trọng câu chuyện quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta chỉ nhìn vế “người tiêu dùng” mà cần nhìn vào nhiều vai trò khác trong thị trường, như vai trò của đơn vị sản xuất, kinh doanh, vai trò của Nhà nước… Tổng thể hài hòa của tất cả các bên liên quan sẽ tạo nên một hiệu ứng tốt: Tiêu dùng tốt, sản xuất kinh doanh tốt, đất nước phát triển tốt.

Xin cảm ơn ông!

Lê Na (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: Người tiêu dùng

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)

Bộ Công Thương: Nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ số

Quan điểm, giải pháp về chống lãng phí khơi thông nguồn lực phát triển

Mang Tết ấm đến với mọi nhà với Chương trình Xuân tình nguyện

Chống lãng phí: Yêu cầu cấp bách để phát triển kinh tế

Bộ Công Thương rà soát, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính

Gỡ 'nút thắt' trong xây dựng thể chế, pháp luật ngành Công Thương để bước vào kỷ nguyên vươn mình

Ngày mai (23/12) sẽ diễn ra Diễn đàn 'Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển'

Trường Đại học Điện lực đề xuất phối hợp với Nhật Bản để phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân

Gia Lai: Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm người dân nghèo

Giải cứu người trong vụ hỏa hoạn tại TP. Hồ Chí Minh: Thêm anh hùng giữa đời thường

Gia Lai: Những món quà hạnh phúc cho người dân vùng biên dịp cuối năm

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

Bộ đội, thanh niên Gia Lai hối hả dọn dẹp vệ sinh, làm đẹp môi trường đón Tết Ất Tỵ 2025

Lửa giận thiêu lý trí, bài học chua cay từ bi kịch cháy quán hát Hà Nội

Cuộc đua taxi bay trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chỉ thị của Bộ Công Thương về bảo đảm cung cấp điện trong các dịp Lễ, Tết và năm 2025

Gia Lai: Lan tỏa chương trình 'bữa sáng yêu thương' cho học sinh nghèo

Đảng bộ Bộ Công Thương tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!