Cần chính sách ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt ngày 9/11, đại biểu Mùa A Vảng - đoàn Điện Biên cho biết, tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Các cam kết về thuế trong Hiệp định CPTPP sẽ tiếp tục là cơ hội lớn cho hàng hóa nông sản Việt Nam. Vì vậy, cần có chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch để hướng tới xuất khẩu.
Đại biểu Mùa A Vảng - đoàn Điện Biên phát biểu tại Quốc hội |
Đại biểu Mùa A Vảng đề nghị, Quốc hội xem xét, bổ sung thêm quy định về chính sách tín dụng của nhà nước hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vào Điều 5 của Dự thảo Luật Trồng trọt để khuyến khích lĩnh vực này phát triển. Thực tế, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều sự quan tâm chỉ đạo và ban hành một số chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.
Theo báo cáo đến tháng 8/2018, tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới chỉ chiếm tỷ trọng là 0,46%. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của người dân. Do đó, việc phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao như là một tất yếu. “Cần có chính sách cụ thể, kịp thời để hỗ trợ phát triển nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và thị trường cũng như có chính sách tín dụng ưu đãi phù hợp phát triển sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao” - Đại biểu Mùa A Vảng nói.
Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đại biểu A Pớt - đoàn Kon Tum cho rằng, Dự thảo Luật đã quy định về vùng chuyên canh hàng hóa tập trung cao, hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, các quy định này cần cụ thể hơn cho phù hợp với vùng miền núi, vùng cao, vốn có độ dốc cao, địa hình chia cắt cũng như cần có những quy định cụ thể về vấn đề phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao nhằm tránh tình trạng phát triển phong trào, phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực của từng vùng.
Tạo điều kiện thụ hưởng chính sách
Đóng góp về dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh - đoàn Bình Thuận đồng tình với hệ thống các chính sách đầu tư, hỗ trợ nêu trong Dự thảo Luật Trồng trọt. Nếu thực hiện tốt sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy trồng trọt phát triển có hiệu quả và bền vững, khắc phục được nhiều khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh cũng phân vân tính khả thi của các chính sách bởi vì có nhiều chính sách tốt nhưng nguồn lực ngân sách không bảo đảm hoặc bố trí rất thấp. Bên cạnh đó, điều kiện thụ hưởng còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Thậm chí, có nội dung không phù hợp, bất hợp lý. Trình tự, thủ tục còn rườm rà nên nông dân và doanh nghiệp khó thụ hưởng chính sách hoặc thụ hưởng không nhiều.
Lý giải vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đưa ra dẫn chứng, Nghị định 210/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, tuy nhiên việc bố trí ngân sách trung ương theo Nghị định còn thấp nên số doanh nghiệp được hưởng thu cũng rất ít. Nhiều chính sách tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn rất bất cập về tiêu chí và điều kiện nên nông dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Hoặc Quy định 2261 ngày 15/12/2014 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 nhưng hơn 3 năm qua, nhiều địa phương chưa được ngân sách trung ương bố trí kinh phí hoặc bố trí không đáng kể. “Chính phủ cần sớm khắc phục tình trạng trên, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới, sát với thực tế, đồng bộ và tránh xung đột pháp lý. Với thủ tục hành chính gọn nhẹ và đặc biệt là phải bố trí ngân sách thỏa đáng, tạo thuận lợi để nông dân và doanh nghiệp thật sự được thụ hưởng các chính sách về trồng trọt” - đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh cũng bày tỏ, không rõ vì sao trong Dự thảo Luật trồng trọt lần này không đề cập đến chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất dưới các hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, đồng thời cũng là điều kiện cơ bản để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đây là chính sách lớn, rất quan trọng, có tính tất yếu để nông nghiệp của nước ta nói chung và trồng trọt nói riêng phát triển hiệu quả, bền vững, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta.
Cũng thảo luận tại hội trường, Đại biểu Tạ Minh Tâm - đoàn Tiền Giang nêu, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp là một chính sách nhân văn và hết sức cấp thiết. Đặc biệt, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay, khoản 3 Điều 5 Dự thảo Luật quy định chính sách của nhà nước về trồng trọt ghi nhận: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho hoạt động bảo hiểm nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt”. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa hơn nữa trong Luật vấn đề này, khẳng định chính sách bảo hiểm nông nghiệp và hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, ghi nhận các nguyên tắc điều chỉnh làm cơ sở Chính phủ cụ thể hóa thực hiện trong từng thời kỳ nhất định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có các giải pháp mạnh mẽ thực thi hiệu quả Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp đã có hiệu lực thi hành từ ngày 5/6/2018.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Trong nông nghiệp, số đối tượng người dân tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt rất đông. Đến nay, riêng GDP của khu vực trồng trọt chiếm 57% tỷ trọng nông nghiệp. Nếu năm nay xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD về nông sản thì khoảng 20,5 tỷ USD là sản phẩm từ trồng trọt. Đó là chưa kể gỗ và sản phẩm đồ gỗ. |