Thứ hai 25/11/2024 05:52

Trung Đông: Liệu Israel có đang viết lại 'luật chơi'?

Trong bối cảnh Trung Đông đang trải qua những biến động chưa từng có, Israel đã tận dụng thời cơ để củng cố vị thế và mở rộng ảnh hưởng.

Theo Politico, các nhà lãnh đạo Israel tin rằng, họ hiện có cơ hội "ngàn năm có một" để định hình lại Trung Đông - cơ hội không chỉ dừng lại ở việc tiêu diệt lực lượng Hamas và Hezbollah. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây cho biết, mục tiêu cuối cùng trong quá trình thay đổi quyền lực khu vực là làm suy yếu quyền lực của giới lãnh đạo giáo sĩ Iran, làm suy giảm khả năng của những người Iran đóng vai trò là nhà tài trợ, huấn luyện viên và người bảo vệ cho Hamas ở Dải Gaza, cũng như lực lượng Hezbollah dòng Shiite ở Liban.

Đối với Iran, đây không phải là lời nói vô căn cứ. Israel không chỉ chiến đấu với Iran bằng cách tấn công các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm của nước này - như Hezbollah hay Houthi ở Yemen - mà còn thể hiện sự vượt trội về công nghệ và hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Iran.

Israel: Sức mạnh hay tham vọng?

Tháng 4, sau khi tránh được trước loạt tên lửa lớn của Iran, Israel đáp trả bằng cách cho nổ tung hệ thống radar phòng không gần thành phố miền Trung Isfahan, trong động thái được nhiều người coi là lời cảnh báo rằng Israel có thể tùy ý phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran.

Trung Đông đang đứng bên bờ chiến tranh quy mô lớn, khi xung đột Iran - Israel vượt tầm kiểm soát với những đòn tập kích ngày càng khốc liệt. Ảnh: AP

Tháng 7, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị sát hại bởi tên lửa nhắm vào nhà khách chính phủ ở Tehran. Nhiều chỉ huy cấp cao của Iran đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công ở Damascus và Beirut. Thông điệp của ông Netanyahu về tầm xa của tên lửa Israel là rất rõ ràng.

Đối với giới lãnh đạo Tehran, đây là vấn đề nhức nhối. Iran thể hiện quyền lực trên khắp khu vực bằng cách tự coi mình là thế lực quân sự có thể hỗ trợ lực lượng dân quân ủy nhiệm trung thành ở Iraq, Syria, Liban và Yemen. Israel hiện đang thách thức trực tiếp quyền lực này, vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah ngày 27/9 bằng bom phá boongke là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Israel đang thách thức Iran.

Israel chắc chắn không dừng lại. Không có dấu hiệu nào cho thấy Thủ tướng Netanyahu sẽ dừng lại sau khi phá vỡ hoàn toàn cấu trúc chỉ huy cấp cao của Hezbollah. Trên thực tế, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã tiến hành tấn công trên bộ vào miền Nam Liban, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với quân binh sĩ đóng ở phía Bắc nước này rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống lại Hezbollah sắp bắt đầu.

Một quan chức cấp cao giấu tên của Israel nói với Politico, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn ngày càng tăng của quốc tế, ông Netanyahu sẽ tăng cường tấn công Hezbollah. Điều này nhiều khả năng bao gồm việc phát động cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn nhằm tiêu diệt Hezbollah ở miền Nam Liban, buộc lực lượng này phải rút quân về phía Bắc sông Litani, cách biên giới Israel-Liban 29km, theo đúng Nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm kết thúc chiến tranh Liban năm 2006.

Israel cũng sẽ tiếp tục tấn công các kho vũ khí, hậu cần và trung tâm chỉ huy của Hezbollah xa hơn về phía Bắc và tại thung lũng Beqaa, trong khi tiếp tục triển khai nhiệm vụ săn lùng chỉ huy cấp cao. Đây là cơ hội tiêu diệt Hezbollah để lực lượng này không bao giờ có thể phục hồi và sử dụng quyền lực nhóm này có ở Liban nữa.

Tỷ lệ ủng hộ ông Netanyahu trong các cuộc thăm dò, vốn từng gây bất lợi cho bầu cử, hiện tăng lên sau vụ ám sát Nasrallah, đồng nghĩa với việc ông Netanyahu có động lực chính trị để kéo dài cuộc tấn công và phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn của các đồng minh phương Tây và các nhóm cứu trợ, những bên lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Liban.

Các quan chức Mỹ tin rằng, bất kỳ cuộc đột kích nào của Israel đều là hạn chế, có mục tiêu và không có quy mô rộng như năm 2006 khi gây ra cuộc chiến ngắn nhưng dữ dội và tổn thất cho cả hai bên. Nhưng Mỹ vẫn lo ngại về cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel, khiến một số lực lượng Mỹ phải chuyển sang “trì hoãn và phòng thủ khi cần thiết”. Ngoài ra cũng có lo ngại về việc Israel vượt quá giới hạn.

“Trục kháng chiến” của Iran

Tuy nhiên, những lời khoa trương của giới lãnh đạo Israel dường như không khớp với những phát biểu có phần hạn chế hơn của các quan chức Mỹ. Thủ tướng Netanyahu không chỉ được thúc đẩy bởi logic chính trị trong nước, mà còn từ lý do quân sự.

Nhà quan sát Matthew Savill tại tổ chức tư vấn Viện nghiên cứu quân chủng liên hợp Hoàng gia (Rusi) của Anh, cho biết: “Những động cơ quân sự của Israel vẫn còn tiếp tục”.

Trung Đông đang trong tình trạng bất ổn hơn rất nhiều so với một năm trước. Căng thẳng khu vực hiện tại không chỉ dừng lại ở cuộc đối đầu giữa Israel và Hamas. Ảnh: AP

Israel đã phá hủy hệ thống lãnh đạo cấp cao của Hezbollah, gây tổn hại đến năng lực phối hợp và thế chủ động của nhóm này. Mặc dù tồn tại các yếu tố như rủi ro mà cuộc đột nhập trên bộ có thể phải đối mặt, mối đe dọa tầm xa đến từ tên lửa đạn đạo và bản chất kéo dài trong các chiến dịch hiện tại của IDF, nhưng là dễ hiểu khi nhiều người lập luận rằng đây là thời điểm tốt nhất để tiến vào miền Nam Liban nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah ở đó”, ông Savill nói.

Các quan chức Israel đang nói đến những tham vọng lớn hơn nhiều so với mục tiêu chiến tranh hạn chế hơn, là khiến Hezbollah ngừng các cuộc tấn công bằng rocket xuyên biên giới đã kéo dài nhiều tháng để cho phép khoảng 80.000 người Israel di tản trở về nhà ở miền Bắc nước này.

Ngoài những quan chức hiện vẫn trong chính phủ, một số cựu lãnh đạo tình báo và an ninh cấp cao vẫn còn ảnh hưởng, bao gồm cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Israel (Mossad) Tamir Pardo, công khai kêu gọi duy trì chiến dịch quân sự để định hình lại Trung Đông.

Theo ông Pardo, những cuộc tấn công của Israel nhằm vào Hezbollah trong 12 ngày qua đã mang lại cho Israel “cơ hội không thể bỏ lỡ”. Ông cho rằng, đồng minh khu vực quan trọng nhất của Iran khó có thể phục hồi quyền kiểm soát Liban như nhóm này có kể từ cuộc chiến với Israel năm 2006.

Thiệt hại to lớn mà IDF gây ra cho Hezbollah trên thực tế đã khiến tổ chức này choáng váng. Danh sách các chỉ huy hàng đầu của Hezbollah bị sát hại trong hai tuần giống như danh sách các chiến binh Shiite xuất sắc và được bổ sung hàng ngày.

Ông Ahmed Fouad Alkhatib, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, đánh giá: “Gần như toàn bộ giới lãnh đạo cấp cao của nhóm này, cả về chính trị và quân sự, cùng hàng nghìn thành viên và chỉ huy cấp trung, đã bị ám sát, loại bỏ hoặc không còn khả năng chiến đấu - chưa nói đến việc IDF đã phá hủy một lượng lớn đạn dược chiến lược có khả năng đe dọa tới các thành phố và mục tiêu ở Israel. Khu vực này có thể đang chứng kiến giai đoạn khởi đầu cho sự kết thúc của ‘Trục kháng chiến’ của Iran’”.

Kết quả này có thể làm hài lòng nhiều nhà lãnh đạo Arập, kể cả ở các nước vùng Vịnh. Một số cơ quan truyền thông vùng Vịnh đã sẵn sàng đổ lỗi nỗi khổ của người dân Liban cho Hezbollah.

Theo giới chuyên gia, cả Hezbollah và Iran đều trong tình thế khó khăn với rất ít lựa chọn. Tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, người có xu hướng muốn cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Arập cũng như có những động thái tiếp cận phương Tây, ám chỉ rằng nước này sẵn sàng quan tâm hơn đến các cuộc đàm phán hạt nhân. Việc trực tiếp tham gia cuộc xung đột có nguy cơ phá hỏng nỗ lực ngoại giao này. Việc phóng tên lửa tấn công trực tiếp nhằm vào Israel, như Iran thực hiện không thành công hồi đầu năm nay, có thể phơi bày sự yếu kém của nước này trước ưu thế quân sự của Israel, khiến Hezbollah cơ bản phải “tự lực cánh sinh” và chỉ nhận được sự ủng hộ bằng lời nói từ Iran.

Thanh Bình
Bài viết cùng chủ đề: Israel

Tin cùng chuyên mục

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 24/11: NATO họp khẩn, Quốc hội Ukraine hủy họp vì tên lửa ICBM của Nga

Chiến sự Nga-Ukraine tối 23/11: Nga sắp bao vây vùng chiến sự; Ukraine khẩn trương đối phó với vũ khí mới

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 23/11/2024: Tổng thống Ukraine thay đổi quan điểm về cuộc xung đột với Nga?

Tình báo Ukraine nói tên lửa Oreshnik của Nga bay hơn 13.000km/giờ

Trí tuệ nhân tạo AI được cho thử nghiệm tác chiến không quân

Việt Nam - Ấn Độ nâng cao khả năng phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình

Chiến sự Nga-Ukraine ngày 23/11/2024: Xung đột ở Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết định; NATO-Ukraine tổ chức họp khẩn

EU và Trung Quốc tiến gần đến thỏa thuận xóa bỏ thuế quan đối với ô tô điện

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 23/11: Lính đánh thuê NATO thiệt mạng; Mỹ gửi loại mìn cấm cho Ukraine

Toàn cảnh thế giới 22/11: Nga hé lộ bí mật tên lửa siêu thanh; Israel nã pháo vào Beirut

Nga và OPEC hợp tác nhằm ổn định thị trường dầu mỏ

Chiến sự Nga-Ukraine tối 22/11: Nga tấn công ồ ạt vào Kurakhove; Ông Zelensky có động thái mới về Crimea

Hungary kêu gọi phương Tây nghiêm túc xem xét vụ phóng tên lửa Oreshnik của Nga

Phòng không Nga bắn hạ hai tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 22/11: Hứng ‘mưa tên lửa’ siêu thanh, Ukraine kêu gọi ứng phó ‘khẩn cấp’

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 22/11/2024: Ukraine có phải là mục tiêu thực sự của tên lửa siêu thanh Oreshnik?

Chiến sự Nga-Ukraine 22/11/2024: Ông Putin gửi tín hiệu tới phương Tây; Nga đạt tiến bộ đáng kể ở Donbass và Novorossiya

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/11: Lính đánh thuê NATO thiệt mạng ở Kursk;tên lửa Storm Shadow tấn công sở chỉ huy Nga