Triển khai sinh trắc học, xác định hơn 16 triệu tài khoản sạch
Ngày 4/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng” nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận về thực trạng và đề xuất các giải pháp trong việc bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện nay.
Triển khai sinh trắc học, đã xác định hơn 16 triệu tài khoản sạch |
Thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 40 tỷ USD mỗi ngày
Thông tin tại hội thảo, ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số và đã đạt được nhiều thành quả trên các trụ cột quan trọng như: Chuyển đổi nhận thức, hoàn thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng, ứng dụng khai thác dữ liệu và phát triển các mô hình ngân hàng số cùng với công tác đảm bảo an ninh, an toàn;...
Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm.
Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ VND/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 - 25 triệu giao dịch/ngày. Các công nghệ số mới, thành tựu của cuộc CMCN 4.0 cũng được ứng dụng mạnh mẽ để phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước - cho hay, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ |
Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra, bên cạnh những tiện ích, tiện lợi mà các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng đem lại, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật trước nguy cơ bị tấn công mạng, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân, các thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ công an - cho biết, tội phạm lừa đảo qua mạng giờ trở thành một nghề kiếm sống, thậm chí mang lại lợi nhuận cao của một bộ phận công dân. Họ hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, cấu kết quy mô lớn, có những đường dây có 300 đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, phân vai cụ thể, nhiều kịch bản tinh vi. Tiền lừa được chuyển rất nhanh vào các tài khoản không chính chủ…
“Với chính sách mở cửa như hiện nay, xu hướng các nhóm đối tượng lừa đảo dịch chuyển ra nước ngoài là rất lớn” - Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho hay.
Đại diện Bộ Công An cũng nêu rõ, hiện có 4 kiểu lừa đảo qua mạng:
Thứ nhất, mạo danh cơ quan tổ chức uy tín, chiếm đến 50% các cuộc lừa đảo
Thứ 2, lừa đảo việc nhẹ lương cao đánh vào lòng tham thông qua mời gọi đầu tư
Thứ 3, đánh vào tình cảm, mời gọi làm quen tặng quà; làm quen dẫn dụ để lộ hình ảnh, clip nhạy cảm
Thứ 4, lừa để chạm vào bẫy kỹ thuật để chiếm quyền sử dụng điện thoại, tài khoản…
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ công an cho biết, tội phạm lừa đảo qua mạng giờ trở thành một nghề kiếm sống |
16,6 triệu tài khoản hoàn toàn sạch sẽ
Ông Lê Hoàng Chính Quang cho biết, để hạn chế, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng trên không gian mạng, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai các nhóm giải pháp chính, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng.
Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và liên tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động an ninh, an toàn thông tin mạng cũng như thanh toán. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai đồng bộ cùng Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; các Thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet….
“Nghị định số 52 ban hành nhằm mục đích tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý” - ông Quang khẳng định.
Ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng (Quyết định 2345), có hiệu lực từ 1/7/2024. Thông tin về triển khai Quyết định 2345, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Quyết định 2345 giải quyết 2 điểm quan trọng. Một là mở tài khoản bằng giấy tờ giả. Thứ hai là mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng không phải chính chủ người đó mở. Do đó, xác thực sinh trắc học theo yêu cầu Quyết định 2345 sẽ xác định đúng tài khoản, đúng người có căn cước công dân được Bộ Công an cấp. “Bản chất của Quyết định 2345 là làm sạch tài khoản, loại bỏ các tài khoản sử dụng giấy tờ giả, loại bỏ tài khoản không chính chủ” - Phó thống đốc nói.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, qua 3 ngày triển khai Quyết định 2345, ngành Ngân hàng đã xác hơn 16 triệu tài khoản sạch |
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, có tình trạng thuê mở tài khoản thực hiện giao dịch bất hợp pháp. Quyết định 2345 thực hiện bước tiếp theo là khi thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng sẽ yêu cầu xác thực khuôn mặt, kiểm tra lại người thực hiện giao dịch có đúng thông tin người mở tài khoản.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng thông tin đến 17h chiều hôm qua (3/7), có 16,6 triệu tài khoản khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu với dữ liệu sinh trắc học Bộ công an. “16,6 triệu tài khoản đó không chạy đi đâu cả, hoàn toàn sạch sẽ. Con số này có thể nói bằng cả 1 năm ngành ngân hàng mở tài khoản cho khách hàng. Về cơ bản, đa số người có tài khoản có thể xác thực được qua điện thoại có NFC. Số ít có vướng mắc và được các ngân hàng hỗ trợ tài quầy. Hiện có ngân hàng đã làm xong xác thực 2,6 triệu tài khoản khách hàng” - ông nói.
Vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, ngày 1/7 khi Quyết định 2345 có hiệu lực có xuất hiện những ách tắc cục bộ, nhưng sang ngày 2 và 3/7 đã thông suốt hơn. Các vướng mắc khác như ứng dụng chưa mượt thì đang được các ngân hàng xử lý và tin rằng hết tuần này cơ bản xử lý xong. Đa số người làm sinh trắc học thành công, không vướng mắc. Chỉ có khoảng 10% trong số 16,6 triệu tài khoản đã xác thực sinh trắc học là được hỗ trợ tại quầy.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Đây là một chiến dịch lớn. Là điều bắt buộc phải làm, không thể khác được”. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện chống giả mạo, chống công nghệ deepfake, giả mạo ảnh tĩnh,…
Đề xuất các giải pháp trong vẫn đề bảo mật, Trung tá Triệu Mạnh Tùng đề nghị, ngành Ngân hàng phải triển khai tốt Quyết định 2345. Từ đó sẽ có đánh giá tình hình để tìm ra biện pháp bịt các kẽ hở nhằm đảm bảo thực hiện Quyết định được tốt nhất; đảm bảo an toàn trong thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đầu tư hơn cho công nghệ, có biện pháp cảnh báo với những giao dịch đáng ngờ.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy, tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho dịch vụ ngân hàng trên không gian mạng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng như: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản, Thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung về quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet …; triển khai hiệu quả Quyết định số 2345 nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán nói riêng và sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán; đồng thời nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, kết nối liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác như: Dịch vụ công, y tế, giáo dục, thương mại điện tử… và kết nối thanh toán xuyên biên giới nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
“Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án 06, trong đó chú trọng khai thác thông tin Căn cước công dân gắn chip và tài khoản VneID để định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách tiện lợi, an toàn, đảm bảo phòng ngừa rủi ro, tội phạm lợi dụng dịch vụ thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo” - Ngân hàng Nhà nước khẳng định.