Tại hội thảo đẩy mạnh hồ sơ sức khỏe điện tử do Bộ Y tế tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết: Ngành y tế đang xây dựng nền y tế thông minh dựa trên nền tảng quản trị thông minh, bệnh viện thông minh và quản lý hồ sơ sức khỏe thông minh. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khỏe. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Bộ cũng đã phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã - phường giai đoạn 2018 - 2020, trong đó giao Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) làm đầu mối xây dựng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo lộ trình vào tháng 7/2019, sẽ triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn quốc.
Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp ngành y tế dễ dàng quản lý |
Thông tin về quá trình triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, đại diện Cục Công nghệ thông tin - cho biết, trong tháng 4 và tháng 5/2019, Cục này đã triển khai thí điểm thành công phần mềm hồ sơ sức khỏe tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Nghệ An. Hiện Cục đang đề xuất Hội đồng thẩm định đánh giá chất lượng của phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trước khi triển khai nhân rộng.
Ngoài hồ sơ sức khỏe, Cục đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác định phương thức xây dựng mã định danh y tế cho người dân cũng như xây dựng các cơ chế tài chính để duy trì, phát triển phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.
Ngoài 2 tỉnh được thí điểm, theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, có 31 tỉnh/thành phố đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử nhưng do rất nhiều doanh nghiệp khác nhau cung cấp phần mềm. Vì vậy các phần mềm tại những địa phương này chưa liên thông được với nhau và một số địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, tại Nghệ An có nhiều phần mềm quản lý khám, chữa bệnh khác nhau. Dữ liệu của một số phần mềm khám chữa bệnh và phần mềm hồ sơ sức khỏe chưa đồng bộ nên khi kết nối liên thông giữa các phần mềm xảy ra tình trạng trùng hồ sơ do đẩy nhiều lần, phần mềm không có chức năng xóa…
Ông Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - cho rằng, do là vấn đề mới nên nhiều địa phương còn lúng túng khi triển khai, các phần mềm chưa được liên thông với nhau, cơ chế chính sách chưa đồng bộ và hoàn thiện. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn một số cơ sở y tế chưa có máy chủ, chưa có phòng dữ liệu của Sở nên thuê hoặc đặt nhờ máy chủ tại các doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật thông tin của người dân bởi hiện nay chưa có quy chế phối hợp cam kết của các doanh nghiệp đối với cơ quản quản lý y tế về đảm bảo an toàn thông tin. Đến cả những bệnh viện lớn như Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), dù rất nỗ lực triển khai nhưng do là bệnh viện quá lớn nên việc ứng dụng mô hình y tế thông minh vẫn chưa thực sự có kết quả cao như kỳ vọng.
Để việc triển khai hồ sơ sức khỏe đạt kết quả cao, Cục Công nghệ thông tin đề xuất, Bộ Y tế cần khẩn trương hướng dẫn xây dựng mã định danh y tế, tiêu chuẩn phần mềm, hướng dẫn kết nối liên thông giữa phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử với các phần mềm khác, để các địa phương có thể triển khai các phần mềm khác nhau. Đồng thời Cục cũng khuyến cáo các địa phương, đơn vị chọn phầm mềm hồ sơ sức khỏe điện tử phải tương thích với tiêu chuẩn quốc tế HL7 được quy định tại Quyết định 2035/QĐ-BYT ngày 12/6/2013 về công bố danh mục kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, xây dựng quy chế quản lý, an toàn thông tin sức khỏe nhân nhân.
Lộ trình thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử được dự kiến: Từ tháng 1 đến tháng 6/2019 triển khai và hoàn thiện phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm. Từ tháng 7/2019, tổ chức triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Phấn đấu nửa cuối năm 2019, người dân toàn quốc sẽ có Hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. |