Chủ nhật 22/12/2024 13:52
Ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí

Trao niềm tin, 'cởi trói' cơ chế cho nhà thầu nội địa

Ông Vũ Văn Khoa cho rằng, cần xây dựng cơ chế và hoàn thiện chính sách, đặc biệt phải giải quyết được 'điểm nghẽn' về cơ chế đánh giá năng lực nhà thầu.

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) cho rằng, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Muốn vậy, cần xây dựng cơ chế và hoàn thiện chính sách, đặc biệt phải giải quyết được điểm nghẽn về cơ chế đánh giá năng lực nhà thầu.

Ông Vũ Văn Khoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương). Ảnh: Cấn Dũng

Thưa ông, vì sao các doanh nghiệp, tập đoàn chưa thể hiện được vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, hướng dẫn, thu hút, thúc đẩy các thành phần khác phát triển? Khó khăn nằm ở đâu, đặc biệt đối với ngành cơ khí?

Ông Vũ Văn Khoa: Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, thủy điện, chúng ta đang có một số tập đoàn mạnh mạnh như VinFast, Trường Hải, Thaco, Huyndai... hay Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà… Những doanh nghiệp, tập đoàn này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều doanh nghiệp vệ tinh và người lao động.

Nhưng ở nhiều lĩnh vực khác, chúng ta chưa có doanh nghiệp đủ mạnh để dẫn dắt ngành công nghiệp chế tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ đang xử lý công nghệ nền, chưa có khả năng tự chủ công nghiệp, công nghệ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài.

Trong các dự án lớn của đất nước về lĩnh vực năng lượng, phát triển hạ tầng giao thông đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, họ sẽ làm tổng thầu, các doanh nghiệp trong nước làm việc đơn giản. Cứ như vậy, thặng dư và hàm lượng công nghệ mang lại cũng rất thấp.

Để phát triển được, theo tôi, trước mắt cần xây dựng cơ chế, chính sách để có thể bảo vệ được thị trường và tạo ra doanh nghiệp mà dẫn dắt, là “sếu đầu đàn” trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, đang có một điểm nghẽn là Thông tư 03/2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đánh giá năng lực nhà thầu. Trong đó, quy định rõ năng lực của cả tổng thầu có hạn, từng thành viên tham gia của công việc đó phải có năng lực. Thế nhưng, những hạng mục mới như điện sinh khối, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị thì trước kia chúng ta đã làm đâu mà doanh nghiệp trong nước có kinh nghiệm.

Như vậy, tất cả công việc đó sẽ do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu và chúng ta chỉ làm thầu phụ.

Do đó, tôi kiến nghị thay đổi điều kiện này, có thể thay đổi bằng việc nhà thầu được phép tham gia một công việc chưa làm bao giờ nhưng tổng thầu hoặc tất cả những nhà thầu khác ở trong liên danh đó đủ năng lực, có kinh nghiệm và họ cam kết chịu trách nhiệm thì doanh nghiệp nội mới có thể tham gia thực hiện dự án lớn và các chương trình trọng điểm của đất nước.

Với kinh nghiệm của chúng tôi, con đường tiếp thu khoa học - công nghệ nhanh nhất và rẻ tiền nhất là hợp tác với các công ty có những công nghệ lõi, công nghệ nền nước ngoài; tham gia vào các hợp đồng kinh tế thì đối tác nước ngoài sẽ phải "trả bài" các hợp đồng kinh tế về công nghệ.

Các chuyên gia của chúng ta sẽ học hỏi được con đường rút ngắn được và bước sang giai đoạn một, tức là phải nắm bắt được công việc và sau đấy mới phát triển.

Hiện, nước ta có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động. Dự báo, quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Ông đánh giá như thế nào về lực lượng doanh nghiệp cơ khí hùng hậu này để có thể dẫn dắt, làm cầu nối cho ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển?

Ông Vũ Văn Khoa: Trước khi vào nội dung chính, tôi kể câu chuyện vào năm 2003 sau khi có Quyết định 797/400 của Bộ Công Thương và sau là chương trình 1791 của Thủ tướng Chính phủ, tất cả thiết bị cho ngành thủy điện chúng ta phụ thuộc nguồn nước ngoài và giá bán rất cao.

Chúng tôi được Bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn đó giao nhiệm vụ phải học hỏi được kinh nghiệm và cấp kinh phí 157.000 USD, nhưng sau đó, chúng tôi chỉ sử dụng hết 150.000 USD.

Đơn vị đã đi khảo sát tất cả các doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Đức, Nga và Ukraine… - những cường quốc làm về thủy điện và sau đó lựa chọn đối tác là Ukraine. Đối tác sẵn sàng chia sẻ, đào tạo, hướng dẫn, tuy nhiên, về các doanh nghiệp ở trong nước lại không ủng hộ vì cứ nghĩ là chúng ta không thể thiết kế được.

Sau đó, được sự lãnh đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ, chúng tôi đã thiết kế làm được 29 công trình. Chúng ta làm chủ được phần thiết kế, đương nhiên giá thành chế tạo của sản phẩm sẽ xuống thấp, từ đó mức đầu tư cũng sẽ giảm xuống.

Như Thủy điện Sơn La phát điện sớm hơn 2 năm, khối tiền hàng chục nghìn tỷ đấy vận hành sớm, tiết kiệm lãi suất rất nhiều, có nguồn điện cho quốc gia và đã tạo rất nhiều việc làm cho các doanh nghiệp cơ khí giai đoạn đó.

Tức là, chúng ta đã làm chủ được thiết kế, mọi thứ rất rẻ, chi phí đầu tư rẻ, chúng ta chủ động được.

Quay trở lại lại câu hỏi, theo tôi, doanh nghiệp cơ khí trong nước với nguồn lực hiện tại, chúng ta có thể thực hiện được những công việc lớn, phức tạp ở các dự án lớn mà từ trước đến nay đấu thầu và hầu như thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.

Như thế để thấy, nếu tin tưởng vào đội ngũ doanh nghiệp cơ khí trong nước, nếu có cơ chế phù hợp, sẽ làm chủ được và đất nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Một dây chuyền sản xuất, lắp ráp linh kiện ô tô tại Việt Nam. Ảnh: Thắng Nguyễn

Đối với "sếu đầu đàn" là doanh nghiệp tư nhân, cần tập trung vào các giải pháp nào để khơi thông điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thưa ông?

Ông Vũ Văn Khoa: Thứ nhất, với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, phải xây dựng được mục tiêu cũng như kế hoạch thực thi dài hơi. Từng bước tiếp thu công nghệ và có trung tâm nghiên cứu của riêng mình để phát minh, sáng tạo, chủ động thay đổi.

Tại thời điểm này, các mặt hàng từ ô tô đến quần áo, may mặc hay tất cả các đồ dùng thay đổi mẫu mã rất nhanh theo thị hiếu khách hàng. Tôi nghĩ rằng, với nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nên dùng thuật ngữ sản xuất linh hoạt hay hơn là sản xuất thông minh để cùng tổ hợp máy móc đấy có thể sản xuất được các mặt hàng khác nhau.

Thứ hai, phải xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp bằng cam kết chất lượng; không chỉ ở thị trường trong nước mà phải phát triển ra thị trường nước ngoài, bởi vì đó cũng là một kênh quảng bá để mở rộng sản lượng. Đã thâm nhập được vào thị trường nước ngoài, sẽ có thể bán được nhiều hàng hơn, nhu cầu nhiều, sản xuất càng nhiều thì chi phí sản xuất càng thấp xuống, như vậy hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn.

Thứ ba, doanh nghiệp tư nhân đang có hiện tượng chạy theo phong trào, vì vậy, cứ đi dẫm chân lên nhau, đầu tư trùng lặp. Do đó, phải có chính sách của Nhà nước định hướng để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng điều phối giống như nước ngoài có từng tầng, từng lớp, mỗi người sản xuất một mặt hàng.

Hiện, tham gia vào các chuỗi cung ứng không phải dễ, chúng ta phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, tiến độ, giá cả. Trong khi doanh nghiệp trong nước phần lớn là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, phải đầu tư được thiết bị, máy móc và áp dụng được tiêu chuẩn của những tập đoàn đa quốc gia giống như Samsung rất là khó.

Vì vậy mới có câu chuyện "doanh nghiệp trong nước không sản xuất được ốc vít cho điện thoại", nhưng thực ra phải nói rõ, bởi vì người ta yêu cầu với chất lượng như thế, với sản lượng hàng triệu cái trong thời gian rất ngắn, không một doanh nghiệp nào làm kịp được; chứ làm ít thì doanh nghiệp mình hoàn toàn có khả năng làm được.

Ngay bản thân các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam như Samsung chẳng hạn, những công ty cung cấp liên quan đến kỹ thuật cho tổ hợp Samsung là các công ty "sân sau". Doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi của họ rất khó, hoặc có thì cũng chỉ tham gia những công nghệ đơn giản, một phần rất nhỏ.

Nhà nước cần có cơ chế để doanh nghiệp tự tham gia chuỗi, chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính ép doanh nghiệp FDI để doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia của chúng ta tham gia được. Chúng ta phải cạnh tranh bình đẳng, bởi vì bây giờ nền kinh tế thị trường, họ cũng vì lợi nhuận.

Việc gây dựng "sếu đầu đàn" được xem là bước đi có tính chất quyết định để hướng đến mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng vững mạnh, trở thành nòng cốt của nền kinh tế đất nước nói chung và công nghiệp mũi nhọn nói riêng. Xin ông chia sẻ những kiến nghị, đề xuất đối với các cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, nỗ lực hỗ trợ để xây dựng thành doanh nghiệp mạnh?

Ông Vũ Văn Khoa: Thứ nhất, chúng ta cần phải tạo "mồi" cho các doanh nghiệp bằng thị trường, vốn, đào tạo hay về cơ chế chính sách. Theo tôi, tại thời điểm này, để xây dựng doanh nghiệp thực sự là nòng cốt cho nền kinh tế đất nước nói chung và công nghiệp mũi nhọn nói riêng, bước quan trọng nhất là phải có thị trường.

Kể cả VinFast cũng rất chật vật trong chuyện bán xe điện ở thị trường Việt Nam chứ không dễ dàng gì. Chúng ta phải tạo thị trường bằng cách ban hành những chính sách hoặc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ở trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp mũi nhọn được tham gia vào các chương trình lớn của quốc gia.

Ví dụ như bây giờ đang thực hiện Quy hoạch điện VIII, phát triển về hạ tầng, đặc biệt là đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao… cũng nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia, khi có thị trường rồi, các doanh nghiệp sẽ tự đầu tư.

Thứ hai, phải "cởi trói" về Luật Đấu thầu. Chúng ta phải thay đổi điều kiện về năng lực nhà thầu trong Thông tư 03 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bởi Quy hoạch điện VIII hay đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị đều phải đấu thầu và không thể chỉ định được. Nếu vẫn giữ điều kiện này, doanh nghiệp Việt mãi chỉ làm thầu phụ.

Thứ ba, các cơ quan nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp dự báo thị trường. Bộ Công Thương đang làm rất tốt vấn đề này, các đơn vị chuyên môn, hệ thống Thương vụ trên khắp thế giới đã cung cấp đầy đủ, kịp thời, trở thành một kênh cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

Còn lại vấn đề tài chính hay vấn đề khác, các doanh nghiệp sẽ có cách để thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Nhóm phóng viên
Bài viết cùng chủ đề: ngành cơ khí

Tin cùng chuyên mục

Giải cứu người trong vụ hỏa hoạn tại TP. Hồ Chí Minh: Thêm anh hùng giữa đời thường

Gia Lai: Những món quà hạnh phúc cho người dân vùng biên dịp cuối năm

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

Bộ đội, thanh niên Gia Lai hối hả dọn dẹp vệ sinh, làm đẹp môi trường đón Tết Ất Tỵ 2025

Lửa giận thiêu lý trí, bài học chua cay từ bi kịch cháy quán hát Hà Nội

Cuộc đua taxi bay trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chỉ thị của Bộ Công Thương về bảo đảm cung cấp điện trong các dịp Lễ, Tết và năm 2025

Gia Lai: Lan tỏa chương trình 'bữa sáng yêu thương' cho học sinh nghèo

Đảng bộ Bộ Công Thương tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi Cựu chiến binh, Cựu quân nhân ngành Công Thương

Cuộc chiến chống tin giả: Thách thức đối với an ninh mạng

Báo Công Thương đạt tốt về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí

TP. Hồ Chí Minh: Ấm lòng những tô mì 0 đồng giữa trung tâm Quận 1

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng

Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi

Khối doanh nghiệp Hà Nội vượt thách thức, giữ vững hiệu quả sản xuất kinh doanh

Hà Nội tặng danh hiệu ‘Người tốt-việc tốt’ cho 25 cá nhân: Lan tỏa để trở thành nét văn hóa tiêu biểu