Thu Thảo (áo xanh) thông tin về dự án Trạm Xanh tại Phiên chợ Tử tế Đà Nẵng hồi tháng 4/2021 |
Gặp Founder Lê Thị Thu Thảo (SN 1993, quê Quảng Trị, làm việc tại Đà Nẵng) tại Phiên chợ Tử tế Đà Nẵng (diễn ra hồi tháng 4/2021) khi cô và các tình nguyện viên của nhóm đang bận rộn tiếp nhận một lượng lớn rác từ người dân tại quầy Trạm Xanh, Thu Thảo vui vẻ cho biết, công việc của cô là một nhân viên hành chính, tuy nhiên, cô có niềm đam mê với các hoạt động bảo vệ môi trường sống xung quanh mình. Quan sát hành vi đối với rác thải nhựa, đặc biệt là những rác thải nhựa ít có giá trị tái sử dụng như bao nilon, vỏ hộp sữa, pin… Thu Thảo nhận thấy người tiêu dùng có xu hướng vứt bỏ, thậm chí không phân loại các loại rác thải nhựa với rác thải hữu cơ. “Mình mong muốn góp phần thay đổi nhận thức, hành vi về xử lý rác thải nhựa theo hướng hướng tới tăng tỷ lệ tái chế, tăng vòng tuần hoàn sử dụng của nhựa. Trạm Xanh là dự án để mình hiện thực hóa mong muốn đó”, cô chủ Trạm Xanh chia sẻ.
“Mình tạo ra một kênh thông tin trên facebook. Trong đó, đưa ra ý tưởng là sẽ nhận rác thải tái chế (đã rửa sạch) tại Trạm Xanh (K129/80 Tiểu La, Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng) và kêu gọi các bạn trẻ có chung ý tưởng cùng nhau thực hiện. Rất vui là dự án nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của mọi người”, Thu Thảo thông tin.
Trạm Xanh là "trạm trung chuyển" rác thải nhựa sau sử dụng để đến nơi tái chế trở lại |
Hàng ngày, sau giờ làm việc hành chính, Trạm Xanh sẽ mở cửa để tiếp nhận rác mà người dân mang tới để đổi lấy các điểm Xanh (Green Point - ứng dụng tích điểm qua app điện thoại). Với một lượng điểm Xanh nhất định, mỗi người có thể đổi những món quà phù hợp (là những sản phẩm thân thiện với môi trường) hoặc sử dụng điểm của mình để đóng góp vào các dự án cộng đồng Tủ sách nhân ái, Ủng hộ trồng rừng, Trồng một vườn cây tại trường học cho các em… ngay trên app Green Points.
Sau một thời gian hoạt động, dự án nhận được những tín hiệu tích cực từ cộng đồng và sự ủng hộ của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường. Sáng kiến “Chủ nhật xanh – đổi rác lấy quà” cũng ra đời từ đó. Chương trình được tổ chức mỗi tháng một lần, mỗi lần ở một địa điểm khác nhau để mọi người có thể tham gia tiện lợi hơn. Tại đây, mọi người mang rác tới đổi quà trực tiếp và tham gia các hoạt động “xanh” của chương trình. Các loại rác gồm giấy, bìa các-tông, vỏ hộp sữa, nhựa, ni-lông, vỏ lon, pin cũ, thiết bị điện tử cũ… để đổi lấy sen đá, chậu cây, vẽ chậu cây; hạt giống rau mầm; hộp quà trải nghiệm lối sống mới (chứa các sản phẩm thân thiện môi trường); sách sống xanh, sản phẩm tái chế từ vải… “Hoạt động mang đến cách tiếp cận trực tiếp và trực quan hơn đối với người tiêu dùng. Đặc biệt hướng tới đối tượng tiếp cận là các em nhỏ để giúp các em dần hình thành thói quen và hành vi tiêu dùng, xử lý rác thải nhựa để bảo vệ môi trường”, Thu Thảo nói.
Rác thải nhựa sẽ được quy ra điểm Xanh và tùy theo số điểm để người sở hữu điểm đổi những phần quà mình ưa thích |
Đưa đoàn học sinh khối 3 mang theo 35 kg vỏ hộp sữa đến “đổi rác lấy quà” tại Phiên chợ Tử tế, thầy Lê Văn Tuấn Anh – Giáo viên trường Tiểu học Lê Lai (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, tại trường học, vỏ hộp sữa rất nhiều, nhưng học sinh sử dụng xong chỉ bỏ vào thùng rác để dọn đi. “Trong một lần tìm hiểu về tái chế rác thải, Tôi biết đến Trạm Xanh và cũng biết vỏ hộp sữa có thể tái chế để tăng vòng tuần hoàn của nhựa cũng như giúp các em có ý thức bảo vệ môi trường, vì vậy, tôi đã hướng dẫn học trò tích lại vỏ sữa và làm sạch để đưa đến đổi quà”, thầy Tuấn Anh nói và thông tin thêm, 35 kg vỏ hộp sữa được các học sinh gom lại chỉ trong vòng 2 tuần và đổi được 105 điểm. Với số điểm này, các em học sinh trường tiểu học Lê Lai đổi được những bình hoa sứ nhỏ, tự mình tô màu cho bình hoa và đổi thêm những cây xanh (sen đá) để tự tay trồng và mang về, một số em đổi những hạt giống rau mầm để đưa về cho bố mẹ… “Trên hết, chương trình là hoạt động ngoại khóa về môi trường tạo được sức hút rất lớn đối với các em học sinh và nhận được sự ủng hộ rất tích cực từ phía phụ huynh. Cùng với đó, tạo thói quen tốt hơn với các em về tái chế và bảo vệ môi trường sống”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Các em học sinh trường tiểu học Lê Lai (Đà Nẵng) cùng các tình nguyện viên Trạm Xanh tại Phiên chợ Tử tế Đà Nẵng (tháng 4/2021) |
Ngoài tiếp nhận rác từ Trạm Xanh và tổ chức chương trình hàng tháng, Green Đà Nẵng đang làm việc với nhiều trường học cấp 1, cấp 2 để tổ chức các hoạt động ngoại khóa “chiến binh xanh tí hon” về tái chế rác thải, khuyến khích các em nhỏ và vận động thầy cô giáo hướng dẫn cho các em sau khi uống sữa thì thu gom vỏ hộp sữa, làm sạch, phơi khô rồi mang tới Trạm xanh hoặc các bạn ở Trạm sẽ tới lấy.
Được biết, đến nay, Trạm Xanh đã thu gom được hơn 1.000 kg rác thải nhựa các loại. Tất cả đều được tái chế để sử dụng lại. “Một khó khăn nhóm còn gặp phải đó là đơn vị tái chế rác ở khá xa (ở miền Nam) nên chi phí vận chuyển cũng theo đó phát sinh. Mình mong muốn sẽ một đơn vị tái chế rác gần hơn để có thể chia sẻ được số rác thải thu gom được nhanh hơn”, Thu Thảo bày tỏ.
Green Đà Nẵng hiện cũng đã có tới 27 tình nguyện viên và có sự hỗ trợ từ phía một số tổ chức, đơn vị bảo vệ môi trường để triển khai hoạt động hiệu quả và có tính lan tỏa hơn.
Đỗ Viết Lãm (1994) – một trong các tình nguyện viên tâm sự: Em biết về nhóm trên mạng xã hội và đã đăng ký làm thành viên ngay. Những hoạt động này cũng giúp cho chính bản thân em có suy nghĩ và hành động cụ thể để thay đổi thói quen trong sinh hoạt về sử dụng rác thải. Mong rằng mình có thể đóng góp phần nào giúp cho thành phố được “xanh” hơn.
Trạm Xanh đang lan tỏa những thông điệp về cuộc sống xanh, đặc biệt hướng tới đối tượng là trẻ em để hình thành thói quen tiêu dùng xanh cho thế hệ trẻ |
Tiếp tục hành trình lan tỏa thông điệp về cuộc sống xanh, Thu Thảo và bạn bạn trẻ Đà Nẵng trong nhóm tình nguyện Trạm Xanh mong muốn góp phần tác động đến nhận thức và hành vi của cộng đồng để thay đổi lối sống, bớt sử dụng túi ni lông và nhựa dùng một lần để giảm lượng rác thải ra môi trường, từ đó hướng tới sự bền vững hơn.