Trái cây được mùa, mất giá
Tìm đầu ra cho trái cây Đồng bằng sông Cửu Long
Hiện trái cây đang vào chính vụ thu hoạch, do đó nguồn cung ra thị trường đang tăng. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có khoảng 1,2 triệu tấn trái cây cần tiêu thụ trong quý 2 này, trong đó tập trung chủ yếu ở Nam Bộ. Trái cây nghịch vụ cũng chiếm tới hơn 50% sản lượng, tuy nhiên hầu hết đều đang có dấu hiệu lặp lại điệp khúc "được mùa, mất giá".
Cụ thể như thời điểm này mọi năm, giá bơ là 25.000 đồng/kg, nay chỉ còn 18.000 - 20.000 đồng/kg. Thanh long ruột đỏ tại Tiền Giang giảm còn 14.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng giảm còn 9.000 đồng/kg. Dưa hấu giảm còn 7.000 đồng/kg...
Với 0,5 ha đất, anh Sang (xã Tân Khánh Trung, Lấp Vò, Đồng Tháp) hái được khoảng 15 tấn xoài. Bội thu nhưng anh vẫn không vui. 1 kg xoài Cát Chu thương lái mua 5.000 đồng. Công chăm sóc, phân, thuốc coi như lỗ vốn. Xoài đặc sản giá đã như vậy, loại kém ngon như xoài Đài Loan, giá chỉ còn 2.000 đồng/kg.
"Xoài giờ rẻ quá, neo hoài. Càng neo càng chết", anh Võ Thanh Sang, xã Tân Khánh Trung, Lấp Vò, Đồng Tháp, chia sẻ.
Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 307.000 ha cây ăn trái. Hiện giá bán các loại khá thấp. Như xoài, giá bán từ 2.000 - 6.000 đồng/kg tùy loại. Mít, thanh long cũng thấp hơn nhiều so với các năm. Chán nản, một số nông dân trồng thanh long, xoài Đài Loan quyết định chặt bỏ vườn.
"Cực mà không có lời. Vì vậy mình phá bỏ, tìm cái cây khác trồng để có nguồn thu nhập nuôi sống gia đình", ông Mai Văn Bé Tư, xã Trung Hòa, Chợ Gạo, Tiền Giang, cho hay.
Theo các doanh nghiệp, giá trái cây nhiều loại ở Đồng bằng sông Cửu Long xuống thấp là do xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó. Để tháo gỡ, các địa phương đã kết nối với các thương nhân ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tiêu thụ nội địa.
Mặc khác, các địa phương cũng liên kết với các doanh nghiệp tạo vùng nguyên liệu tại chỗ, vừa xuất khẩu các sản phẩm tươi, vừa chế biến chuyên sâu.
Đây là hướng đi lâu dài. Trước mắt, nhà vườn trồng cây ăn trái đang đối diện với nhiều khó khăn khi giá cả bấp bênh. Nông dân lại tiếp tục với điệp khúc trồng, chặt.
Xuất khẩu trái cây sụt giảm 4 tháng đầu năm
Theo Hiệp hội chế biến rau quả Việt Nam, quý 2 là thời điểm 8 loại cây ăn quả chính tại Nam Bộ sẽ được thu hoạch bao gồm: thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riêng. Trong đó, riêng Đồng bằng sông Cửu Long là hơn 940.000 tấn, nhưng thị trường tiếp tục suy giảm trong tuần cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
Ngoài việc nguồn cung tăng cao, giá giảm, còn do Trung Quốc - thị trường nhập khẩu trái cây chính của Việt Nam, vẫn tiếp tục thực hiện chính sách Zero COVID-19 khiến việc xuất khẩu vào thị trường chủ lực này gặp nhiều khó khăn.
Chiến sự Nga và Ukraine vẫn đang tiếp diễn khiến chi phí vận chuyển tăng cao, do phải thay đổi lộ trình hoặc tuyến vận chuyển qua nhiều khâu trung chuyển hơn. Giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam 4 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm hơn 15% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất chiếm hơn 53% thị phần, tiếp theo là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thích ứng linh hoạt khi cung vượt cầu
Trước những khó khăn trong tiêu thụ trái cây như thời gian qua, một số địa phương cũng đã có giải pháp thay thế trong khi chờ việc thông quan có thể bình thường trở lại. Như tại tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, diện tích thanh long ở tỉnh này đã giảm hơn 900 ha.
Trong khi nhiều hộ vội chặt bỏ thanh long vì rớt giá, một số hộ học cách thích ứng linh hoạt để tồn tại qua thời điểm khó khăn, tin tưởng chờ đợi thị trường khởi sắc trở lại.
Tại tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, diện tích thanh long ở tỉnh này đã giảm hơn 900 ha |
Với 9 ha thanh long, sau 5 đợt chong đèn nghịch vụ bị thất thu hơn 1 tỷ đồng, trang trại này đã rút kinh nghiệm tiết giảm một số chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất, có sản phẩm bán ra thị trường, hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Có 2.200 trụ thanh long, nhờ áp dụng các biện pháp 3 giảm: giảm thuê công lao động; giảm đầu tư phân bón và giảm đợt xử lý nghịch vụ nên ông Triểm (xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đã tránh được thua lỗ. Việc xoay xở linh hoạt trong thời điểm giá thanh long giảm sâu được chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng.
Xã Thuận Quý không có diện tích thanh long bị phá bỏ. Hiện tại, địa phương vẫn duy trì sản xuất 580 hecta thanh long, trong đó gần 90% canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là địa phương dẫn đầu tỉnh Bình Thuận về thực hiện tốt sản xuất thanh long VietGAP để xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện tốc độ thông quan tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là khoảng 140 xe một ngày. Lạng Sơn vẫn còn khoảng gần 700 xe đang chờ xuất khẩu, trong đó riêng hoa quả là 461 xe. Nếu tình hình xuất khẩu trái cây tươi không được cải thiện và còn chạy quanh lo tiêu thụ chợ nội địa, giá cả chưa ai đoán trước sẽ ra sao.
Vì vậy, Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương cần hỗ trợ thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với đầu ra của sản phẩm, phải liên kết để nhà doanh nghiệp thiết kế vùng sản xuất hiện đại theo kỹ thuật chuyên môn, nông sản có giá trị cao mới có đầu ra ổn định.