TP. Vũng Tàu: Hình thành các dự án du lịch đẳng cấp trên Núi Lớn, Núi Nhỏ
Chiều 2/10, UBND TP. Vũng Tàu phối hợp với Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức công bố đồ án điều chỉnh tổng thể phân khu tỷ lệ 1/2000 Núi Lớn – Núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu.
Quy mô diện tích quy hoạch khoảng 834 ha, trong đó, đất lâm viên - công viên đồi là 353 ha, chiếm hơn 42% tổng diện tích quy hoạch, còn lại là đất dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, khu dân cư và công trình công cộng thuộc /chu-de/do-thi-xanh.topic. Quy mô dân số dự báo khu vực lập quy hoạch đến năm 2035 khoảng 32.000 người, trong đó, dân số tăng tự nhiên 26.000 người, dân số quy đổi khoảng 6.000 người.
Người dân, doanh nghiệp đến dự lễ công bố quy hoạch Núi Lớn - Núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Theo quy hoạch, khu vực Núi Lớn, Núi Nhỏ sẽ được chia làm 3 không gian chính bao gồm: Không gian kiến trúc cảnh quan khu vực ven biển sẽ tổ chức các không gian lấn biển tại các vị trí có bãi đá, bãi sình không thuận lợi cho tắm biển, không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên; cải tạo chỉnh trang các khu vực hiện hữu, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan, không gian công cộng.
Không gian kiến trúc cảnh quan khu dân cư hiện hữu đến chân núi sẽ tổ chức cảnh quan các trục đường chính theo từng khu vực. Bố trí thêm các bãi đỗ xe gắn kết các loại hình dịch vụ, các không gian mở, không gian công cộng trên tuyến đường ven biển Hạ Long, Trần Phú. Xây dựng các công trình điểm nhấn khu vực tại các vị trí thuận lợi ven biển và trên núi, khuyến khích các công trình lớn, hợp khối. Đối với các khu dân cư hiện hữu tuân thủ lộ giới theo quy hoạch, cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan, bố trí thêm các tiện ích, không gian công cộng cho đô thị.
Quy hoạch tổng thể Núi Lớn - Núi Nhỏ, TP. Vũng Tàu. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Không gian kiến trúc cảnh quan khu vực công viên đồi: Hình thành các dự án du lịch đẳng cấp trên Núi Lớn, Núi Nhỏ, tạo nên những tổ hợp, chuỗi công trình kiến trúc để nhận diện và tạo tính hấp dẫn cho khu vực. Hình thành các trục giao thông đứng đặc trưng về cảnh quan, các tuyến giao thông bộ từ đường Hạ Long, Trần Phú, Lê Lợi, Phan Chu Trinh lên các đường Vi Ba, Hải Đăng. Tổ chức các lối đi gắn vào vách đá, các điểm check in thú vị cho người dân và du khách.
Hình thành các trục cảnh quan, trục thương mại dịch vụ, trục giao thông đứng để khai thác lợi thế cảnh quan, phát triển dịch vụ du lịch.
Hình thành một số công trình điểm nhấn, biểu tượng của khu vực và TP. Vũng Tàu tại công viên Tao Phùng - đồi Con Heo, khu du lịch mũi Nghinh Phong - Hòn Bà, khu cảng tàu khách quốc tế ở Bạch Dinh, khu vực lấn biển Sao Mai; các khu vực này có quỹ đất rộng, gắn với cảnh quan đặc biệt, địa hình đặc trưng nhất của thành phố Vũng Tàu, có hướng nhìn rộng ra biển.