TP. Hồ Chí Minh: Thu phí vỉa hè cần tính đến người bán hàng rong
Tại tọa đàm “Làm thế nào để khai thác kinh tế vỉa hè hiệu quả?” do báo Dân Trí tổ chức ngày 15/1, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP. Hồ Chí Minh- cho biết: Hiện nay thành phố có số lượng người nhập cư đông, nhiều người bám trụ vỉa hè để mưu sinh. Buổi sáng, hàng nghìn người từ các huyện vùng ven, ngoại thành di chuyển vào trung tâm thành phố để buôn bán, tạo ra sự sôi động cho các hoạt động trên vỉa hè. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là sự lộn xộn mà chúng ta thấy từ trước đến nay.
Toạ đàm “Làm thế nào để khai thác kinh tế vỉa hè hiệu quả? |
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, việc TP. Hồ Chí Minh ban hành quy định thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường là một quyết định đúng đắn và cần ủng hộ. Thực tế các quốc gia như Thái Lan, Singapore đã làm cách đây hơn 20 năm. Họ làm trên nguyên tắc: Vỉa hè là công sản, không thể sử dụng miễn phí mà phải trả tiền khi khai thác.
"Người khai thác vỉa hè thu về lợi ích kinh tế mà không phải nộp lại khoản nào. Sự vô lý đó đã tồn tại mấy chục năm nay. Trong khi đó, Nhà nước phải bỏ số tiền lớn để duy tu, bảo dưỡng vỉa hè hàng năm. Tuy nhiên, chúng ta mới thấy đề án đang tập trung chủ yếu vào những người có cửa hàng, thuê mặt tiền để kinh doanh. Những người bán hàng rong chưa được đề cập tới", PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nêu ý kiến.
Từ đó, ông cho rằng, chúng ta cần học tập mô hình của Bangkok (Thái Lan). Theo đó, các khu du lịch lớn như Pratunam có chỗ dành riêng cho người bán hàng rong. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp những ô vuông rộng 1,4m dài 2,2m. Đó là những chỗ cho người bán hàng rong hành nghề.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP. Hồ Chí Minh |
"Ở Bangkok, hàng rong được bán theo từng xe đẩy như trái cây, nước ép, đồ ăn. Để bán hàng rong, bạn phải đăng ký và sở hữu chỗ. Chi phí thuê hàng tháng là khoảng 3.000 bath (hơn 2 triệu đồng), người thuê cần đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, chứng chỉ hành nghề, kỹ năng an toàn thực phẩm. Đặc biệt, người thuê không đứng một chỗ cả ngày mà có quy định phải đổi chỗ sau vài giờ"- PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho biết.
TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh |
Đồng quan điểm trên, TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hoạt động bán hàng rong cần có phương án quy hoạch bố trí để thu phí, giúp đi vào nề nếp. “Đối với những người buôn bán hàng cố định lâu năm, đã có chỗ quen thuộc, chúng ta nên xem xét, thỏa thuận với các chủ hộ có mặt tiền để họ tiếp tục hoạt động. Đối với hàng rong lưu động, tôi nhất trí việc ngoài quy hoạch, đưa họ về một vị trí như quận 1 đã thí điểm (ở phố Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp), thì nên nghiên cứu các mô hình mới để nhân rộng”, TS Dư Phước Tân cho biết.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh) |
Nói về ý kiến cho rằng vỉa hè chỉ dành cho giao thông với chủ thể chính là người đi bộ, nhưng cũng có người ủng hộ việc tạo sinh kế cho người dân bằng các gánh hàng rong hay hộ kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trước đây, chúng ta chưa có quy định pháp lý cụ thể cho vấn đề bán hàng rong, mà chỉ bàn chuyện "đẩy, đuổi" họ.
"Hiện tại, các quy định pháp lý đã có cho loại hình này, mức phí cũng đã ban hành. Để sắp xếp trật tự, đi vào nề nếp thì đã có trong hướng dẫn các quận, huyện. Cụ thể là các quận, huyện chủ động rà soát tuyến đường nào đủ điều kiện được kinh doanh, các ô phố nào được tổ chức kinh doanh hàng rong. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chúng ta cần làm theo từng giai đoạn, có thí điểm, đánh giá rồi mới mở rộng chứ không thể làm cùng lúc tràn lan", ông Ngô Hải Đường cho biết.