TP. Hồ Chí Minh thu được gần 3.800 tỷ đồng phí dịch vụ hạ tầng cảng biển
Ngày 22/12, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển (gọi tắt là thu phí hạ tầng cảng biển).
Hội nghị sơ kết công tác thu phí hạ tầng cảng biển |
Tại hội nghị, ông Hà Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (thuộc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh) - cho biết: Hệ thống thu phí hiện có trên 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân hằng ngày có từ 2.000 đến 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí. Số lượng tờ khai phát sinh đến nay đạt trên 4 triệu tờ khai.
“Tính từ ngày 1/4/2022 đến 15/12/2023, tổng số phí hạ tầng cảng biển đã thu được khoảng 3.797 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2023 đến ngày 15/12, thành phố đã thu về gần 1.935 tỷ đồng. Dự kiến đến ngày 31/12 sẽ thu về khoảng 2.010 tỷ đồng, đạt 93% so với đề án và đạt hơn 100% so với kế hoạch được giao năm 2023” - ông Hà Thanh Sơn thông tin.
Trong quá trình thực hiện, Sở Giao thông vận tải yêu cầu các ban, ngành và đơn vị liên quan phối hợp thực hiện trong quá trình thu phí. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp cảng đều phối hợp tốt trong việc kiểm soát hàng hóa; phối hợp xác minh kích thước container, xác minh hàng hóa được vận chuyển vào cảng, rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa trên các tuyến đường thủy.
Số tiền thu được từ phí hạ tầng cảng biển để thực hiện các dự án kết nối hạ tầng cảng biển nhằm giúp giao thông thuận tiện, giảm chi phí vận chuyển |
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai ngành giao thông đã đưa hệ thống thu phí hoàn toàn tự động, giúp tiết kiệm thời gian và đã hỗ trợ rất tốt trong quá trình thu phí. Bên cạnh đó, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP. Hồ Chí Minh và nhà cung cấp cho thuê phần mềm thu phí đã hỗ trợ các phần mềm khai báo hải quan. Trong đó, tích hợp liên kết hệ thống thu phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc khai báo nộp phí.
Với nguồn phí thu được, TP. Hồ Chí Minh trích 1,3% dùng cho các chi phí nâng cấp hệ thống, thuê thiết bị vận hành. Dự kiến, từ năm 2024, tỷ lệ trích để lại là 1,5% mới đảm bảo chi phí thuê thêm thiết bị, thực hiện chi cho hải quan và các doanh nghiệp khai thác cảng). Đối với số tiền còn lại nộp vào ngân sách thành phố để bố trí đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn.
Đánh giá về công tác thu phí dịch vụ cảng biển, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh - khẳng định: Đề án thu phí cảng biển đến nay đang thực hiện rất tốt, mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động thu phí ổn định, không xáo trộn hay ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp tại các kho, bãi, cảng. Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp đều có ý kiến đồng thuận, đều chấp hành nghĩa vụ nộp phí. Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ đề xuất thay đổi về đối tượng thu, cần cụ thể hóa hơn về quy trình thu phí.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - lưu ý, việc thu phí được thực hiện tự động hoàn toàn 24/7 nên các sở ngành vị liên quan cần thường xuyên cập nhật, nâng cấp phần mềm để đảm bảo thuận lợi. Đồng thời khẳng định, số tiền thu được góp sức vào ngân sách phố để thực hiện các dự án kết nối hạ tầng cảng biển nhằm giúp giao thông thuận tiện, giảm chi phí vận chuyển.
Từ 00 giờ ngày 1/4/2022, TP. Hồ Chí Minh chính thức triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển) theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hồ Chí Minh giao UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện. Trước đó, TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch thu phí cảng biển kể từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kế hoạch thu phí lùi đến 1/10/2021 và sau đó lùi đến 1/4/2022. Mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với từng loại tại TP. Hồ Chí Minh: Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/ container với container 40 feet và 2,2 triệu đồng/container với container 20 feet. Còn đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP. Hồ Chí Minh, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container đối với container 20 feet; 1 triệu đồng/cont đối với container 40 feet và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Trong khi đó, với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP. Hồ Chí Minh, áp dụng mức thu là 250.000 đồng/container 20 feet; 500.000 đồng/container 40 feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. TP. Hồ Chí Minh sẽ miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. |