![]() |
Tình trạng ùn tắc giao thông tại TP. Hồ Chí Minh vẫn thường xảy ra. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo mới đây của UBND TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng qua tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn phức tạp. Qua kết quả kiểm tra hệ thống camera quan sát giao thông và hệ thống định vị GPS các loại phương tiện lưu thông vẫn còn nhiều vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông.
Tình trạng ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra thường xuyên, đặc biệt là tại một số khu vực như cảng Cát Lái và phía Đông thành phố; các tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Đinh Bộ Lĩnh; đường Cộng Hòa; đường Nguyễn Thị Định; đường Nguyễn Tất Thành; đường Nguyễn Thị Minh Khai;... gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Tình trạng kẹt xe đang từng giờ tác động trực tiếp lên đời sống người dân bởi hàng ngày, người dân đi học, đi làm di chuyển khó khăn hơn, khí thải nhiều hơn gây ô nhiễm… Thậm chí, vì ngán ngại cảnh kẹt xe hàng giờ nên nhiều doanh nghiệp chuyển hàng xuất nhập khẩu về cảng Thị Vải - Cái Mép chứ không còn thông qua cảng Cái Lái tại TP. Hồ Chí Minh, điều này đang khiến nguồn thu thuế của hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố đang bị giảm. Thống kê của thành phố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đang giảm 4,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, thuế thu từ tiền cho thuê mặt đất, mặt nước cũng giảm khoảng 14%….
Mặc dù chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp, dự án hạ tầng giao thông để giảm ùn tắc nhưng các dự án này vẫn đang trong giai đoạn “gọi vốn". Cụ thể, theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, hiện phần lớn các dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đang gặp phải khó khăn chính là thiếu vốn và thiếu mặt bằng.
Đơn cử, dự án mở rộng tỉnh lộ 8 gắn với Khu công nghiệp Đông Nam dài 7km được duyệt từ năm 2008 với vốn khi đó là 220 tỷ đồng (trong đó 110 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng), nhưng đến nay do vướng mặt bằng bị chậm triển khai nên thẩm định lại vốn dự án này đã bị “đội” lên hơn 800 tỷ đồng (trong đó phải mất hơn 600 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng). Hoặc như dự án Trung tâm điều hành giao thông vốn 300 triệu đôla Mỹ tính toán thực hiện từ lâu nhưng cuối cùng đến nay cũng không thực hiện được bởi chưa kêu gọi được vốn ODA… Ngay cả dự án đường Vành đai 3 với tổng vốn khoảng 16.000 tỷ đồng (sử dụng vốn Trung ương) sắp tới TP. Hồ Chí Minh cũng phải ứng trước từ ngân sách thành phố mới mong có thể đẩy nhanh tiến độ được.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố cần bố trí khoảng 177.000 tỷ đồng cho dự án chương trình giao thông nhưng đến thời điểm này mới chỉ bố trí được 14%.
Có thể nói, khi vốn không cân đối đủ, mặt bằng sạch cho dự án giao thông bị chậm chuyển giao do bị vướng pháp lý thu hồi đất, thẩm định giá trị đất… thì đây chính là những thách thức lớn để chương trình chống ùn tắc giao thông, giảm kẹt xe của thành phố đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh- cho rằng, việc cần làm hiện nay là đẩy mạnh việc thu hồi vốn xã hội hóa cho các dự án trọng điểm, nếu không sẽ rất khó những dự án trong thời gian tới. Để thu hồi vốn xã hội hóa, thành phố cần đẩy mạnh cải cách hành chính, mở cửa thu hút đầu tư, tạo điều kiện từ các chính sách cho các nhà đầu tư… Khi có vốn thì cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tránh để kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.