TP. Hồ Chí Minh cần “tăng tốc” giải ngân vốn đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng
Giải ngân vốn đầu tư công rất thấp
Mặc dù kinh tế TP. Hồ Chí Minh phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong 7 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất của cả nước trong 7 tháng năm 2022. Điều này sẽ tác động đến chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022.
Đến nay, khối lượng toàn tuyến dự án đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt gần 90% (Ảnh minh họa) |
Tính đến cuối tháng 7 năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh mới chỉ đạt 25%, trong tổng kế hoạch vốn được giao gần 31.944 tỷ đồng. Đây là mức giải ngân vốn rất thấp, chưa tạo động lực dẫn dắt, thúc đẩy kích cầu đầu tư xã hội.
Về nguyên nhân TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất của cả nước, theo lý giải của UBND TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân thấp so với các năm trước đây là do nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021. Cùng với đó, việc tái khởi động thi công các dự án ở những tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định, sau thời gian TP. Hồ Chí Minh thực hiện ứng phó với tình hình dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu ngành xây dựng tăng đột biến, giá xăng dầu tăng nhiều lần; các vướng mắc khi thực hiện các quy định về đầu tư công, về sử dụng vốn ODA; công tác giải phóng mặt bằng chậm, thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án kéo dài đã ảnh hưởng đến việc tái khởi động thi công các dự án trong 7 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, các sở ngành, chủ đầu tư cũng chưa quyết liệt, nên việc thực hiện các thủ tục đầu tư còn bị động.
Ở góc độ đơn vị giải ngân vốn, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Qua theo dõi, khối lượng thi công thực tế trên các công trường thời gian qua còn rất chậm. Mặt khác, việc chậm triển khai kế hoạch giao vốn đối với các dự án hạ tầng giao thông cũng ảnh hưởng đến kế hoạch mời thầu, đầu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu... cũng dẫn đến giá trị giải ngân vốn thấp.
Nhiều giải pháp “tăng tốc” giải ngân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tại buổi làm việc mới đây với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tráng đầu năm 2022 mới chỉ đạt 25%, đây là mức giải ngân rất thấp nên chưa tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy kích cầu đầu tư xã hội.
Để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được coi là một trong những giải pháp quan trọng để TP. Hồ Chí Minh phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, phát triển cơ sở hạ tầng là một cấu phần quan trọng nhất trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành phố đã thành lập 3 tổ công tác: Tổ giải phóng mặt bằng, tổ ODA, tổ tháo gỡ khó khăn các dự án chậm tiến độ.
Đặc biệt, để “tăng tốc” trong những tháng còn lại của năm 2022, TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Cụ thể, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ, chủ động điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 để tập trung bố trí cho các dự án có khả năng giải ngân cao.
Tại các dự án sử dụng vốn ngân sách, TP. Hồ Chí Minh yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch triển khai và tiến độ chi tiết... Cùng với đó, 3 tổ công tác của thành phố tiếp tục tập trung giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đối với từng lĩnh vực, từng dự án để phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2022 đạt 100%.
Ngoài các giải pháp trên, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tập trung tháo gỡ những ách tắc liên quan đến các dự án đầu tư công trọng điểm của thành phố như dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chấp thuận bố trí bổ sung phần vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại.
Để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong những tháng còn lại năm 2022, TP. Hồ Chí Minh sẽ quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.