TP. Hải Phòng: Mỗi hộ kinh doanh phải tự trang bị 1 bình chữa cháy
Để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời triển khai các giải pháp liên quan đến công tác quản lý, phát triển và chuyển đổi mô hình đối với các chợ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, UBND TP. Hải Phòng giao UBND các quận, huyện tổ chức thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các đơn vị chức năng kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các chợ trên địa bàn quản lý.
Xử lý nghiêm đối với các trường hợp không đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, khẩn trương báo cáo UBND thành phố kết quả kiểm tra và biện pháp đã khắc phục các tồn tại hạn chế về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Công an TP. Hải Phòng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Ảnh: Cổng TTĐT Hải Phòng |
Kiểm tra, chỉ đạo các ban quản lý chợ trên địa bàn quản lý rà soát lại hồ sơ, phương án chữa cháy, lực lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để xử lý kịp thời các sự cố cháy, nổ, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra. Rà soát, bố trí kinh phí đảm bảo an toàn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ các nguồn kinh phí thu, nộp phục vụ quản lý, vận hành các chợ để khắc phục các nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tiếp tục tổ chức học tập, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các ban quản lý chợ và các lực lượng phòng cháy, chữa cháy của chợ, định kỳ tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ, đảm bảo kịp thời xử lý các sự cố cháy, nổ xảy ra ngay từ khi mới phát sinh. Yêu cầu mỗi hộ kinh doanh phải tự trang bị 01 bình chữa cháy đặt tại gian hàng và huấn luyện người bán hàng biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố và trước pháp luật nếu để xảy ra cháy chợ thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
Công an thành phố tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội tại các chợ địa bàn quản lý. Phối hợp cùng UBND cấp huyện, cấp xã hướng dẫn người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh thường xuyên tự kiểm tra, duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động trong cơ sở thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, quản lý chặt chẽ trong việc sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, dụng cụ có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt, sắp xếp hàng hóa, những việc cần thực hiện khi có cháy, nổ xảy ra; chuẩn bị đầy đủ lực lượng phương tiện phòng cháy chữa cháy sẵn sàng thường trực, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhất là ngoài giờ vào ban đêm để phát hiện và xử lý kịp thời những nguy cơ cháy, nổ ngay từ ban đầu, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trong về người và tài sản của nhân dân.
Giao Sở, ngành chức năng phối hợp hướng dẫn UBND các quận, huyện rà soát tình hình quản lý vận hành và sắp xếp các chợ trên địa bản quản lý; rà soát công tác quy hoạch xây dựng các chợ trên địa bàn thành phố đảm bảo phù hợp quy định pháp luật, xem xét sự phù hợp của các chợ thực hiện việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ với các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng có liên quan; hướng dẫn xử lý tài sản công tại các chợ (tài sản đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, vốn vay, dự án Lifap...) để làm cơ sở thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh khai thác chợ; tổ chức, phân luồng các tuyến đường xung quanh các chợ đảm bảo an toàn giao thông, thuận lợi cho hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo quy định; kiểm tra an toàn lưới điện, trạm biến áp và hướng dẫn các biện pháp an toàn trong sử dụng điện tại các chợ trên địa bàn thành phố; rà soát, sửa chữa kịp thời mạng lưới cấp nước đô thị, các trụ cấp nước chữa cháy trên địa bàn thành phố; bổ sung hệ thống trụ cấp nước phục vụ chữa cháy đô thị đảm bảo về số lượng, áp lực và lưu lượng theo quy định (ưu tiên lắp đặt các trụ nước tại các chợ, trung tâm thương mại, khu đông dân cư và nơi có nhiều cơ sở nguy hiểm cháy nổ) để phục vụ có hiệu quả công tác chữa cháy khi có sự cố cháy xảy ra….