Tổng thống Donald Trump tiết lộ về dự án LNG ‘bậc nhất thế giới’
Bước tiến chiến lược trong hợp tác năng lượng
Theo hãng tin Reuters của Anh, ngày 4/3, /chu-de/donald-trump.topic cho biết, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số quốc gia khác bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ trong một dự án đường ống khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn tại bang Alaska. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định, dự án này sẽ là một trong những công trình năng lượng quan trọng bậc nhất thế giới, với tổng mức đầu tư có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD từ các đối tác quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức trong phiên họp Quốc hội tại Điện Capitol, Washington DC, ngày 4/3/2025. Ảnh: The New York Times |
“Chưa bao giờ có điều gì giống như vậy. Nó thực sự sẽ rất ngoạn mục”, Tổng thống Donald Trump nói trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ kể từ khi trở lại Phòng Bầu dục vào tối 4/3 (giờ địa phương).
Dự án đường ống LNG Alaska được kỳ vọng sẽ không chỉ giúp Mỹ mở rộng xuất khẩu năng lượng mà còn tạo điều kiện để các quốc gia đối tác tăng cường nguồn cung khí đốt ổn định, đóng góp vào an ninh năng lượng khu vực và toàn cầu.
Theo các nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun đã thảo luận về dự án này với các quan chức cấp cao của Mỹ trong chuyến công tác tại Washington vào tuần trước. Hiện, các cuộc trao đổi vẫn đang ở giai đoạn đầu và sẽ tiếp tục được thảo luận sâu hơn trong thời gian tới.
Phát biểu trước báo giới, một đại diện Bộ Công nghiệp Hàn Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tích cực tham gia thảo luận với Mỹ trong thời gian tới, bởi đây là một dự án có ý nghĩa chiến lược đối với cả hai quốc gia”.
Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ahn Duk-geun làm việc với Đại diện Bộ Thương mại Mỹ Jamieson Greer tại Washington vào ngày 1/3/2025. Ảnh: Yonhap |
Trong chuyến thăm Washington, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun đã có các cuộc gặp với nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Đại diện Bộ Thương mại Mỹ Jamieson Greer, Bộ trưởng Nội vụ và đồng Chủ tịch Hội đồng thống lĩnh năng lượng quốc gia của Nhà Trắng Doug Burgum.
Các cuộc thảo luận tập trung vào tiềm năng hợp tác năng lượng giữa hai nước, đặc biệt là khả năng Hàn Quốc tham gia vào dự án LNG Alaska trị giá 44 tỷ USD.
Trong cuộc họp báo tại thành phố Sejong, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun xác nhận Mỹ đã đặt vấn đề với Hàn Quốc và một số nước khác về khả năng tham gia đầu tư vào dự án LNG Alaska. Bộ trưởng cũng tiết lộ hai bên đã thống nhất thành lập một nhóm công tác chung để thảo luận về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp đóng tàu và các vấn đề kỹ thuật liên quan.
Nhật Bản cân nhắc mở rộng hợp tác năng lượng với Mỹ
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Shigeru Ishiba cũng bày tỏ sự quan tâm đến dự án này, đồng thời khẳng định rằng việc tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Mỹ sẽ mang lại lợi ích chiến lược cho cả hai nước. Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh: “Việc mở rộng nhập khẩu khí đốt, bioethanol và amoniac từ Mỹ không chỉ đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định cho Nhật Bản, mà còn mở ra cơ hội hợp tác bền vững giữa hai quốc gia”.
Nhật Bản là một trong những quốc gia nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, do đó, các dự án hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực này có thể mở ra cơ hội quan trọng đối với cả hai bên.
Theo các nguồn tin ngoại giao, mặc dù Tokyo chưa đưa ra quyết định chính thức về việc tham gia đầu tư vào đường ống khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Alaska, nhưng Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý xem xét nghiêm túc về triển vọng hợp tác. Dự kiến, trong tháng này, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản sẽ có chuyến công tác tới Washington để thảo luận sâu hơn về vấn đề này, cũng như nghiên cứu các phương án tối ưu nhằm tăng cường hợp tác năng lượng giữa hai nước.
Dòng chảy LNG Alaska - động lực mới cho hợp tác Mỹ và Đông Bắc Á
Dự án đường ống LNG tại Alaska là một phần trong chiến lược dài hạn của Mỹ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên, khai thác lợi thế từ nguồn tài nguyên dồi dào tại bang này. Tuy nhiên, dự án cũng đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm chi phí đầu tư cao, các vấn đề về hạ tầng vận chuyển, và sự cạnh tranh từ các nguồn cung LNG khác trên thế giới.
Tại bang Alaska, đã có một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng - Nhà máy LNG Kenai của ConocoPhillips. Đây là nhà máy duy nhất ở Bắc Mỹ xuất khẩu LNG, hoạt động từ năm 1969 đến nay. Ảnh: The New York Times |
Theo ông Doug Burgum, đồng Chủ tịch Hội đồng thống lĩnh năng lượng quốc gia của Nhà Trắng, dự án đường ống LNG dài 800 dặm sẽ tạo điều kiện để Mỹ gia tăng xuất khẩu năng lượng tới các đối tác chiến lược, đồng thời đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia. “Dự án này không chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ, mà còn giúp các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác tiếp cận nguồn cung năng lượng đáng tin cậy”, ông Burgum nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ LNG toàn cầu ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, dự án LNG Alaska có tiềm năng trở thành một phần quan trọng trong chiến lược năng lượng khu vực.
Việc các quốc gia đối tác cân nhắc tham gia đầu tư không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định mà còn tạo động lực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Dù còn nhiều vấn đề cần thảo luận và đàm phán, dự án LNG Alaska đang thu hút sự quan tâm của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc các quốc gia này tham gia vào dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và khu vực Đông Bắc Á.
Trong thời gian tới, các cuộc thảo luận giữa chính phủ Mỹ và các đối tác sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm hiện thực hóa dự án. Nếu đạt được thỏa thuận hợp tác, đây sẽ là một trong những dự án năng lượng quan trọng nhất trong khu vực, góp phần định hình thị trường LNG toàn cầu trong tương lai.
Theo số liệu từ Mordor Intelligence, riêng tại thị trường Mỹ, xuất khẩu LNG trong năm 2024 đạt 86,9 triệu tấn, tăng khoảng 0,8% so với năm 2023 nhờ sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước đạt mức kỷ lục. Nhu cầu toàn cầu về LNG cũng được dự báo sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030, phản ánh xu hướng chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thế giới đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Theo dự báo, quy mô thị trường LNG toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 74,60 tỷ USD năm 2023 lên 103,41 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 6,75% trong giai đoạn này. |