Về phía đại biểu khách quý có sự tham dự của TS. Nguyễn Hải Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Giáo dục Đào tạo; TS. Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - Bộ Giáo dục Đào tạo; ngoài ra Đại diện các Cơ quan Xúc tiến thương mại Singapore, Australia, Hàn Quốc… tại Việt Nam cũng đã tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Nguyên Hưng - Trưởng Làng công nghệ giáo dục Techfest Vietnam 2021 - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội - nhận định: "Do tác động của đại dịch Covid-19 đã và đang thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn thế giới ở tất cả các ngành nghề trong đó có giáo dục. Và chuyển đổi số trong ngành giáo dục Việt Nam hiện nay đang diễn ra rất mạnh mẽ từ bậc mầm non cho đến đại học.
Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số thành công thì giáo dục Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm như các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho công nghệ giáo dục, kiến tạo hệ sinh thái giáo dục số nhằm cùng nhau phát triển, cùng nhau tạo ra giá trị cho công cuộc chuyển đổi số của giáo dục Việt Nam nói chung”.
Mục đích của hội thảo nhằm kết nối các ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp, từ đó kết nối các giải pháp chuyển đổi mô hình giáo dục trong và sau đại dịch. Tại hội thảo các chuyên gia đã thảo luận về các giải pháp giáo dục, các doanh nghiệp đã trình bày về những giải pháp ứng dụng công nghệ giáo dục trong thực tiễn.
Như đại diện ClassIn, bà Trương Lê Quỳnh Tương đã chia sẻ về mô hình lớp học OMO (Online Merge Oflife) với sự hỗ trợ của công nghệ sẽ là một hình thức học toàn diện rất đáng quan tâm. Hay bà Hoàng Hà Linh đến từ Kiến Guru đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc “phát triển nội dung số và trải nghiệm giáo dục số”. Một đại diện từ Ấn Độ, ông Balaji - Đồng sáng lập và CEO tại EscaVel EdTech và ScholARlab; Nguyên Giám đốc bán hàng tại Oracle đã chia sẻ về “Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ giáo dục tại Ấn Độ”- một trong những thị trường tiềm năng bậc nhất hiện nay về Edtech cùng nhiều bài chia sẻ bổ ích khác.
Đại diện Viện khoa học giáo dục Việt Nam, thạc sĩ Đỗ Đức Lân đã chia sẻ: "Chúng ta cần xác định là đối tượng cần quan tâm nhất trong quá trình này là các em học sinh và thầy cô. Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất thì rào cản lớn nhất đó chính là xây dựng được tâm thế, năng lực chuyển đổi số cho giáo viên cũng như các tiêu chuẩn đánh giá mới trong giai đoạn chuyển đổi.
Chính vì vậy, trong năm 2020, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng khung năng lực số cho học sinh, đề xuất áp dụng cho học sinh từ cấp mầm non đến trung học phổ thông. Khung năng lực số đề cập đến kiến thức, kỹ năng và thái độ cho phép trẻ phát triển và phát huy tối đa khả năng trong thế giới công nghệ số ngày càng lớn mạnh trên phạm vi toàn cầu, một thế giới mà trẻ vừa được an toàn, vừa được trao quyền theo cách phù hợp với lứa tuổi cũng như phù hợp với văn hóa và bối cảnh địa phương".
Cũng trong chương trình Hội thảo đã diễn ra tọa đàm với chủ đề Công nghệ và phong cách dạy mới trong blended learning với sự tham gia của các diễn giả là startup, giám đốc những công ty về công nghệ giáo dục, thầy cô giáo cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng thực tế và phát triển nội dung số trong học tập kết hợp. Cả hai phiên sáng và chiều đều được phát trực tiếp trên fanpge và kênh youtube của Techfest 2021cũng như fanpage của Làng Công nghệ giáo dục và đã nhận được rất nhiều câu hỏi, những chia sẻ quan tâm từ các đơn vị, trường học với các vấn đề được thảo luận trong hội thảo.
Đặc biệt, tại Hội thảo ông Nguyễn Trí Hiển - Đồng trưởng Làng công nghệ giáo dục đã tuyên bố ra mắt cuốn Kỷ yếu song ngữ: Edtech Vietnam 2021. Mục đích chính của kỷ yếu là cập nhật toàn cảnh Edtech Vietnam & lần đầu tiên xếp hạng các đơn vị Edtech hàng đầu Việt Nam từ đó chỉ ra cơ hội, thách thức và hướng đi cho các Edtech startups, nhóm hỗ trợ Edtech startups, các nhà đầu từ Edtech...
Bên cạnh các góc nhìn đa chiều về Edtech Vietnam, Làng công nghệ giáo dục cũng hướng tới xây dựng liên minh các doanh nghiệp Edtech để hỗ trợ, cùng nhau kiến tạo giá trị cốt lõi cho hệ sinh thái công nghệ giáo dục tại Việt Nam.