TNG: Cạnh tranh bằng công nghệ
Với 12 nhà máy sản xuất may mặc, 2 nhà máy phụ trợ và 40 cửa hàng thời trang trên cả nước, bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu (XK), những năm qua, TNG đã không ngừng đẩy mạnh bán hàng trong nước với sản phẩm thời trang công sở thương hiệu TNG - đây là bước đi quan trọng của công ty, nhằm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ doanh thu nội địa tăng 10-15%.
Dây chuyền sản xuất của TNG |
Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch TNG - chia sẻ: Năm 2019, công ty đã tăng đầu tư 150 tỷ đồng vào Nhà máy may TNG Đồng Hỷ (Thái Nguyên) giai đoạn 1 với 16 chuyền may, nâng tổng chuyền may toàn công ty lên 252. Cuối năm 2019, TNG đã khởi công Nhà máy may TNG Võ Nhai, có tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng và quy mô 32 chuyền may, hiện đã lắp đặt trước 16 chuyền may và trong quý II/2020 sẽ đi vào sản xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thời, các năm gần đây, tốc độ tăng lợi nhuận của TNG luôn cao hơn tốc độ tăng doanh thu. Đây là kết quả của quá trình không ngừng cải tiến, đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất, tập trung sâu vào quản trị đến từng bộ phận, nhà máy trực thuộc, nhằm đạt mục tiêu tăng năng suất, tiết kiệm chi phí để gia tăng lợi nhuận.
Cụ thể, TNG đã xây dựng và triển khai đề án quản trị hàng tồn kho bằng cách ứng dụng Công nghệ 4.0 thông qua một phần mềm đo được thời gian của từng vật tư nằm tại kho. Chi phí nguyên, vật liệu chiếm 50% giá thành nên chỉ cần giảm được một phần nhỏ cũng giúp công ty tăng lợi nhuận lên rất nhiều. Cùng với đó, DN dệt may này cũng tìm cách tăng năng suất lao động bằng cách cải tiến máy móc, thiết bị và đào tạo con người.
“Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều DN thiếu hụt đơn hàng, nhưng TNG vẫn nhận được nhiều đơn hàng là nhờ chiến lược phát triển bền vững - không những đáp ứng tiêu chuẩn về nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mà còn vấn đề môi trường và chính sách xã hội cho người lao động. Hiện, TNG đã đủ đơn hàng cho năm 2020, trong đó có những khách hàng lớn như Decathlon, Nike đều yêu cầu tăng đơn hàng” - Ông Nguyễn Văn Thời cho biết thêm.
Với một DN dệt may có quy mô lên tới gần 17.000 lao động như TNG, thì giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động không còn con đường nào khác là tập trung vào quản trị hiệu quả. Theo đó, giải pháp được TNG đưa ra là áp dụng công nghệ, thi đua khen thưởng và công tác cán bộ.
Cùng với đó là chất lượng sản phẩm luôn được TNG đặt lên hàng đầu, đơn cử như các sản phẩm thông thường, khách hàng chỉ yêu cầu máy dò kim chạy 1 lần, nhưng tại TNG, DN này đã đưa vào quy trình 2 lần quét cả 2 mặt của sản phẩm, để đảm bảo an toàn sản phẩm ở mức cao nhất. Ðây là tiêu chuẩn riêng của TNG, nhằm cải tiến đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Chính điều này đã giúp DN giữ chân được các bạn hàng khó tính và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu.
Giai đoạn 2020-2024, công ty lên kế hoạch doanh thu tăng 12% và lợi nhuận tăng 15% mỗi năm. Đến 2024, doanh thu dự kiến cán mốc 7.247 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 442 tỷ đồng. |