Tỉnh Hà Giang thực hiện Nghị định 78: 20 năm giúp đồng bào vượt khó, thoát nghèo
Là địa phương nơi địa đầu Tổ quốc, tỉnh Hà Giang có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, với tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao. Trong đó, một trong những trở ngại không nhỏ đối với các hộ nghèo, đó là khó tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp để tăng gia, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Trước thực tế này, Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ “về “tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác” ban hành năm 2002 được đánh giá là nguồn lực kịp thời để hỗ trợ hộ nghèo, hộ đối tượng chính sách có vốn sản xuất.
Trong 20 năm (2002-2022) thực hiện Nghị định 78, hoạt động tín dụng chính sách của tỉnh Hà Giang luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp uỷ, UBND tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang.
Với sự chung tay của những tổ chức chính trị-xã hội nhận uỷ thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn, cộng với hoạt động cho vay luôn thông suốt, thủ tục ngày càng đơn giản… nên từ 2 chương trình tín dụng ban đầu (tổng số tiền 117,8 tỷ đồng), đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang đang thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay lên đến 10.914 tỷ đồng.
Nhờ sự vào cuộc của nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi, trồng trọt |
Tính đến 31/8, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang là 4.088 tỷ đồng, tăng 3.970 tỷ đồng so với thời điểm năm 2002 - tăng bình quân 21,3%/năm. Hệ số sử dụng vốn hàng năm đạt trên 99%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,09% trên tổng dư nợ.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, 20 năm qua đã có 268.682 lượt hộ nghèo, 26.274 lượt hộ cận nghèo, 13.478 lượt hộ mới thoát nghèo của tỉnh Hà Giang được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; gần 32.000 lao động được vay vốn tạo việc làm, 2.375 lượt hộ vay vốn xuất khẩu lao động, 16.748 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn cải tạo đất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất kinh doanh; 15.124 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập…
Cũng từ nguồn vốn tín dụng chính sách ý nghĩa này, trên toàn tỉnh Hà Giang, đã có 14.740 căn nhà ở cho hộ nghèo và 193 căn nhà ở xã hội được xây mới; 65.282 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Nhắc đến tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm của tỉnh Hà Giang, càng không thể không nhắc đến nguồn vốn tín dụng chính sách. Bởi từ sự hỗ trợ của nguồn vốn này, 127.800 hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ bắt đầu tự chủ về kinh tế, chăm lo cho con cái học hành. Đáng mừng hơn cả là thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều cách làm hay, mô hình, dự án phát triển kinh tế hiệu quả đã được hình thành và nhân rộng ngay tại nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang
Đặc biệt hơn, từ 10/6/2021, thực hiện Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội… sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang đã mạnh mẽ và thực chất hơn. Đây cũng là “cú hích” để tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang nhằm thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 206,2 tỷ đồng; tiếp tục khẳng định vai trò "trụ cột" của Nghị định 78 trong hệ thống các chính sách giảm nghèo.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang - Thào Hồng Sơn đề nghị tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách |
Thực tế, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn cao (42,08%), số lượng lao động thiếu việc làm hoặc chưa qua đào tạo nghề còn lớn… Chính vì vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị định 78, tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78, ông Thào Hồng Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang - đề nghị: Các cấp, ngành tiếp tục xác định công tác tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội. Tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương đưa vào dự toán ngân sách hàng năm, đảm bảo bố trí đủ, kịp thời nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù để thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách trong tình hình mới...