Tinh giản biên chế tại EVN: Đầu mối, lao động giảm, năng suất lao động tăng
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong các giai đoạn vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp, trên cơ sở thực hiện các Đề án tái cơ cấu EVN các giai đoạn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã giúp EVN có cơ cấu tổ chức hợp lý, thu gọn đầu mối quản lý, tập trung vào các khâu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện.
Theo đó, số lượng các đơn vị thành viên EVN từ 44 đơn vị năm 2012, giảm xuống còn 40 đơn vị năm 2015 và giảm tiếp xuống còn 34 đơn vị hiện nay.
Bên cạnh việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, EVN cũng đã đẩy mạnh quản lý lao động, chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất lao động bằng việc xây dựng và thực hiện các đề án chuyên đề cho từng giai đoạn như: “Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động của EVN giai đoạn 2013 - 2015”, “Đề án Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2020”, “Giải pháp tăng năng suất lao động giai đoạn 2021 – 2025”.
EVN cũng đã xây dựng thống nhất mô hình tổ chức của 09 Tổng công ty thành viên (gồm 5 Tổng công ty Điện lực, 3 Tổng công ty Phát điện và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia), các Công ty con và đến đơn vị quản lý cấp 4 (cấp Điện lực quận/huyện, Truyền tải điện khu vực). Đồng bộ hệ thống chức danh theo vị trí chức danh công việc đối với lao động quản lý gián tiếp, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các Tổng công ty và công ty con, cấp bậc công nhân kỹ thuật tại các đơn vị.
Thực hiện tách bộ phận sửa chữa dịch vụ với bộ phận quản lý vận hành để nâng cao năng suất lao động. EVN thành lập Trung tâm Dịch vụ sửa chữa EVN năm 2019 trên cơ sở tách bộ phận sửa chữa của 07 công ty thủy điện đa mục tiêu trực thuộc Công ty mẹ - EVN. Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện thuộc EVNGENCO3 thành lập năm 2015 thực hiện nhiệm vụ sửa chữa các nhà máy nhiệt điện trực thuộc. Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Truyền tải điện thành lập năm 2017 có nhiệm vụ lắp đặt, sửa chữa lớn, thí nghiệm trên lưới truyền tải điện. Các Tổng công ty Điện lực sắp xếp lại các đơn vị phụ trợ như sửa chữa, xây lắp, tư vấn thiết kế,.. thành Công ty Dịch vụ Điện lực.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động vào hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ điện; đầu tư hiện đại hóa thiết bị cũ; tự động hoá góp phần nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt đối với trạm biến áp, hiện, 100% trạm biến áp 110kV và khoảng 80% trạm biến áp 220kV không có người trực vận hành tại trạm.
EVN đang tích cực triển khai chuyển đổi số trong việc: Quản trị nội bộ; Đầu tư xây dựng; Kỹ thuật; Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng; Viễn thông và Công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng phục vụ khách hàng, xây dựng xã hội số, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động.
Trong giai đoạn 2016 - 2022, EVN hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sản lượng điện thưởng phẩm tăng từ 159,8 tỷ kWh (2016) lên 242,3 tỷ kWh (2022), đồng thời các nhà máy điện mới, các đường dây truyền tải/trạm biến áp mới vào vận hành và số khách hàng sử dụng điện thêm mới hàng năm nhưng tổng số lao động hằng năm của EVN giảm dần. Nếu như năm 2016, tổng số lao động của EVN là 103.640 người thì đến 2022 chỉ còn 96.677 người.
Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 10%/năm. Năm 2020 là 2,54 triệu kWh/lao động cao hơn yêu cầu Thủ tướng giao.