Tín dụng tăng trưởng ''thần tốc'', hơn 810 nghìn tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế
Tốc độ tăng tín dụng như “Thánh Gióng”
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng. Như vậy, với dư nợ tín dụng đến cuối năm 2023 ở mức 13,569 triệu tỷ đồng, lượng tín dụng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong nửa đầu năm nay là hơn 810.000 tỷ đồng. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng đã đạt được chỉ tiêu cao theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là đến đến hết quý II/2024, phải đạt 5 - 6%.
Trước đó, các dữ liệu được công bố của nhà điều hành có phần kém khả quan hơn khi tại thời điểm cuối tháng 5/2024, tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 2,41% và đến ngày 14/6 đạt 3,79%. Như vậy, chỉ riêng tháng 6, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 487.000 tỷ đồng, cao hơn so với tổng mức tín dụng tăng được trong 5 tháng đầu năm. Riêng hai tuần cuối tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mở rộng thêm gần 300.000 tỷ đồng.
Lượng tín dụng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong nửa đầu năm nay là hơn 810.000 tỷ đồng |
Việc tín dụng bứt tốc trong những tuần cuối tháng 6 là điều đã được một số lãnh đạo ngân hàng lớn dự kiến từ trước. Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024 diễn ra ngày 19/6, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, tính đến hết 17/6, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mới đạt 2,1%, tức tăng 29.000 tỷ đồng, thấp hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, ông Tùng dự kiến đến hết 30/6 tăng trưởng tín dụng đạt 4,3%, đến hết 30/9 là 8,2% và cả năm là 12%. Tức trong nửa cuối tháng 6, mức tăng trưởng đạt được gần ngang bằng trong hơn 5 tháng trước đó.
Tương tự, ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank thông tin, đến hết 31/5, dư nợ tín dụng đạt 1,57 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,24% so với cuối năm trước. Tuy nhiên, dự kiến đến hết 30/6 mức tăng trưởng có thể đạt 2,5%, tức mức tăng trong tháng 6 bằng tổng mức tăng trong 5 tháng trước đó.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Tổng Giám đốc MB cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 có thể đạt 6 - 6,5%, từ mức 4,5% ghi nhận vào giữa tháng 6. Lãnh đạo VIB cũng dự báo mức tăng trưởng cuối quý II đạt khoảng 2% từ mức 1,14% đạt được vào cuối tháng 5. SHB tăng trưởng tín dụng giữa tháng 6 mới đạt 2,54%, song dự kiến đến ngày 30/6 tăng 5%. VPBank cũng dự kiến tăng tín dụng 5-6% nửa đầu năm, dù hết ngày 31/5 mới tăng gần 2%...
Tốc độ tăng tín dụng dự kiến như “Thánh Gióng” của các ngân hàng trong tháng 6/2024 khiến lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó tỏ ra nghi ngờ. Tuy vậy, nhiều ngân hàng cho hay, nhiều hợp đồng tín dụng đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị và sẽ sớm được ký kết, giải ngân trong nửa cuối tháng 6/2024. Đây là lý do khiến tín dụng sẽ có sự đột phá trong tháng 6.
Về vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhắc nhở, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không tăng tín dụng bằng mọi giá, tín dụng phải đi kèm với chất lượng. Điều quan trọng nhất là, các ngân hàng phải hiểu rõ được nguyên nhân tín dụng khó khăn, ách tắc để tìm đúng giải pháp tháo gỡ.
Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tích cực hơn, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng tiêu dùng |
Tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm
Đánh giá về hoạt động điều hành trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp; điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Dự báo nửa cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tích cực hơn, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng tiêu dùng với các chính sách tài khóa - tiền tệ tiếp tục có xu hướng hỗ trợ chính sách, thúc đẩy cầu tiêu dùng và đóng góp cho tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Theo dự báo của bà Bùi Nguyễn Cẩm Giang, Trưởng phòng phân tích, ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ, Công ty chứng khoán HSC, nửa cuối năm 2024 và năm 2025, tiêu dùng sẽ còn phục hồi nhanh và mạnh hơn dựa trên các yếu tố:
Thứ nhất, kim ngạch xuất khẩu và chỉ số việc làm đã phục hồi trong 5 tháng đầu năm với mức tăng cao nhất thuộc về ngành Công nghệ (chiếm 6% lực lượng lao động). Các ngành sử dụng nhiều lao động như May mặc, da giày (chiếm 21% lực lượng lao động), kim ngạch xuất khẩu và số lượng việc làm chưa tăng đáng kể, cho thấy thu nhập của đa số người lao động vẫn chưa cải thiện nhiều trong 5 tháng đầu năm.
Thứ hai, số lượng việc làm của các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm nay do các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ nhập hàng trở lại nhiều hơn. Thu nhập của người lao động sẽ cải thiện, thúc đẩy mức tiêu dùng chung.
Thứ ba, số lượng khách quốc tế sẽ tiếp tục tăng và hỗ trợ doanh số bán lẻ dịch vụ và tiêu dùng.
Trong khi đó, tại bản kiến nghị quý 2/2024 về một số chủ đề quan trọng của nền kinh tế, nhóm chuyên gia nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để thúc đẩy tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nên bổ sung thêm gói tín dụng ưu đãi từ nguồn tái cấp vốn với lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay một số đối tượng, lĩnh vực cần được ưu tiên, khuyến khích trong nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng nên linh hoạt cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại có khả năng tăng trưởng tín dụng tốt...
Nhóm chuyên gia cũng đề nghị, các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; khẩn trương rà soát các dự án, các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, hiệu quả, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vay vượt qua khó khăn để tiếp tục quay vòng vốn, trả nợ. Cùng với đó là tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục vay vốn, công khai phí, lãi suất… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn ngân hàng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 8 văn bản (gồm 1 Chỉ thị, 1 Quyết định, 1 Thông báo, 5 Công văn) chỉ đạo toàn hệ thống về công tác tín dụng. Trong đó, ngày 18/6/2024, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn… |