Diễn biến mới trong vụ án xảy ra ở Tịnh thất Bồng Lai Khởi tố 4 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Diễn biến mới nhất vụ nổ súng tại sự kiện tranh cử của ông Trump |
Diễn biến bất ngờ vụ án vi phạm quy định cho vay ở Cần Thơ kéo dài gần 1 thập kỷ
Ngày 19/7, TAND TP Cần Thơ mở phiên toà xét xử sơ thẩm (lần thứ hai) vụ án vi phạm quy định cho vay xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ). Vụ án này gây thất thoát hơn 291 tỉ đồng đến nay gần thập kỷ vẫn chưa xét xử xong.
Sáu bị can bị truy tố gồm: Lê Thanh Hải (cựu giám đốc), Trần Huy Liệu (cựu trưởng phòng tín dụng), Bùi Tuấn Anh (cán bộ tín dụng, cùng thuộc Agribank Cần Thơ), Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi, Nguyễn Văn Đạt.
Tuy nhiên, do luật sư bào chữa cho bị cáo Nhân có đơn xin hoãn phiên tòa; vắng nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đơn vị thẩm định giá nên hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên toà. Phiên toà sẽ được mở lại vào ngày 12/8 tới.
Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 63/2010, bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã cùng với các cán bộ Agribank Cần Thơ là Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh bàn bạc, thống nhất cho Công ty Tây Nam vay vốn hỗ trợ lãi suất.
Cáo trạng nhận định, Công ty Tây Nam không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất, hồ sơ vay vốn không đủ điều kiện. Tuy nhiên, bị cáo Hải vẫn ký Hợp đồng tín dụng cho Công ty Tây Nam vay vốn và hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63.
Bị cáo Nhân cùng với Hải, Liệu và Tuấn Anh thống nhất nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp cho khoản vay của Công ty Tây Nam. Các bị cáo cũng chấp nhận việc Nhân lập hồ sơ khống để Công ty Tây Nam được vay vốn hỗ trợ lãi suất, cho Nhân sử dụng tiền vay sai mục đích như mua bất động sản, trả nợ cho các khoản vay khác...
Đồng thời, các bị cáo là cán bộ ngân hàng này còn cho Nhân sử dụng tiền vay hỗ trợ lãi suất gửi tiết kiệm để lấy tiền lãi. Tại lần giải ngân thứ nhất cho Công ty Tây Nam không có tài sản đảm bảo thế chấp, các lần giải ngân không có hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn hoặc cung cấp chứng từ khống nhưng vẫn được ký duyệt giải ngân.
Ngoài ra, các bị cáo Hải, Liệu và Tuấn Anh không thực hiện kiểm tra nguồn vốn sau khi cho vay, nhưng vẫn lập khống các biên bản kiểm tra sau khi cho vay để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn.
Từ năm 2012-2015, Nhân, Hải, Liệu và Tuấn Anh đã thống nhất cho Nhân sử dụng các pháp nhân là Công ty Tây Nam, Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam Bộ Cửu Long; các cá nhân Phan Duy Phương và Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo thế chấp để vay và sử dụng vốn vay sai mục đích, gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam tổng số tiền hơn 291 tỉ đồng.
Các bị cáo Thi, Đạt là nhân viên của Nhân, thực hiện công việc theo sự chỉ đạo của Nhân, có vai trò giúp sức tích cực cho Nhân trong việc lập hồ sơ vay vốn, lập khống chứng từ, tài liệu cung cấp vào hồ sơ vay.
Viện kiểm sát nhận định, hành vi của các bị can thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại về tài sản đặc biệt nghiêm trọng cho Agribank Việt Nam, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, xâm phạm hoạt động đúng đắn và an toàn của các tổ chức tín dụng trong nước.
Người thoát ngạt khí trước vụ 3 công nhân tử vong trong hầm thủy điện kể về giây phút “cận kề cửa tử”
Anh Hạng A Chứ là người may mắn thoát chết sau vụ ngạt khí xảy ra tại công trường thi công hầm thủy điện Nậm Cuổi 1 vào ngày 9/7. Hai ngày sau đó, cũng chính tại hầm thủy điện này có 3 công nhân tử vong do ngạt khí.
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Hạng A Chứ (công nhân thi công hầm thủy điện Nậm Cuổi 1, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) cho biết, anh bắt đầu làm việc tại công trường từ ngày 11/6/2024.
Công việc hàng ngày của anh là trực hệ thống đẩy khí oxy vào hầm và thoát nước ra ngoài. Vào lúc ngắt điện, anh có nhiệm vụ khởi động máy phát điện để duy trì hoạt động của hệ thống.
Trước đây, máy phát điện được để bên ngoài cửa hầm, những lúc không có điện lưới thì việc kích hoạt máy phát điện rất dễ dàng. Từ ngày 7/5, máy phát điện được đưa vào trong hầm mỗi khi chuyển từ máy phát điện qua điện lưới và ngược lại. Hàng ngày, Hạng A Chứ đi xe máy vào trong hầm để kích hoạt máy phát điện.
Khoảng 4h ngày 9/7, khi đang ngủ, anh Chứ được công nhân cùng ca trực gọi dậy đi bật máy phát điện. Đến khoảng 10h cùng ngày, sau khi có điện lưới, anh Chứ và đồng nghiệp đi xe máy vào trong hầm để tắt máy nổ thì gặp sự cố bất ngờ.
"Khi tắt máy phát điện, tôi nhận thấy điện lưới không hoạt động. Lúc này, khói từ máy phát điện xả ra cộng với việc máy đẩy khí oxy đang tạm dừng khiến chúng tôi không thở được. Thấy vậy, tôi nói với người đi cùng rằng phải chạy gấp ra ngoài", anh Chứ kể.
Khi ra đến cửa hầm, anh Chứ không thấy anh bạn đi cùng nên đã gọi người đến cứu. "Sau đó, tôi ngất xỉu và không biết việc gì xảy ra sau đó", anh Chứ nhớ lại.
Sau vụ ngạt khí, anh Hạng A Chứ được mọi người đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đến nay, sức khoẻ của anh đã ổn định và bệnh viện cho về theo dõi tại nhà ở huyện Sìn Hồ.
Ngay sau vụ tai nạn thương tâm xảy ra, Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về an toàn lao động”.
Ngày 16/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lai Châu bắt tạm giam bị can Lê Văn Duẩn - Chỉ huy trưởng thi công công trình hầm dẫn nước của thủy điện Nậm Cuổi 1 với cáo buộc "Vi phạm quy định về an toàn lao động".
Cùng tội danh với đối tượng Duẩn, ngày 18/7, Cơ quan CSĐT tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam Đoàn Trọng Đạt - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH T&Đ 86 (đơn vị thi công hầm thủy điện).
Phát hiện 'thuốc được niêm phong kỹ', xác định thủ phạm thực sự vụ 6 người bị đầu độc ở Thái Lan
Tối 18/7, Cảnh sát Thái Lan cho biết đã hoàn tất khám xét 8 vali hành lý của 6 nạn nhân tử vong nghi do bị đầu độc xyanua tại khách sạn Grand Hyatt Erawan ở Bangkok.
Bằng chứng quan trọng được tìm thấy từ chiếc túi của 1 trong 6 thi thể, "có thể chỉ rõ ràng ai là thủ phạm thực sự của vụ đầu độc".
Tờ Matichon dẫn lời trợ lý chỉ huy Sở cảnh sát Limpini, cho biết lực lượng chức năng phát hiện một số loại thuốc "được niêm phong rất kỹ" trong vali.
Hiện phía cảnh sát đang chờ pháp y xác nhận bằng chứng chính thức một lần nữa.
Chất độc được nghi có trong trà mà các nạn nhân sử dụng |
Ông Chanchai Sittipunt, Giám đốc Bệnh viện Chulalongkorn cho biết, bộ phận pháp y đã hoàn tất khám nghiệm 6 tử thi, song bệnh viện cần tham vấn tất cả các bên, bao gồm cả cảnh sát, trước khi công bố kết quả. Việc bàn giao thi thể cho gia đình nạn nhân cũng cần được sự đồng ý của cảnh sát.
Tối 16/7, người dân ở Thái Lan và Việt Nam đều rúng động trước thông tin nhóm người Việt được phát hiện tử vong bên trong Grand Hyatt Erawan - một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất trung tâm Bangkok.
Sự việc nhanh chóng thu hút được sự chú ý của truyền thông khi thông tin ban đầu cho thấy các nạn nhân đều chết vì ngộ độc.
4 nạn nhân mang quốc tịch Việt Nam gồm: Nguyen Thi Phuong Lan (47 tuổi), Pham Hong Thanh (49 tuổi), Nguyen Thi Phuong (46 tuổi), Tran Dinh Phu (37 tuổi). Hai nạn nhân mang quốc tịch Mỹ gồm Sherine Chong (56 tuổi) và Dang Van Hung (55 tuổi).
2 nạn nhân còn lại mang quốc tịch Mỹ là Sherine Chong (56 tuổi) và Dang Van Hung (55 tuổi).
Cảnh sát đã phát hiện dấu vết chất độc xyanua trong ấm và các tách trà bên trong căn phòng cũng như trong máu nạn nhân.
Cơ quan điều tra nhận định sự việc xuất phát từ mâu thuẫn nợ nần giữa các nạn nhân.