Tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Hội An
Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản |
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, cơ quan ngoại giao, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Hội An là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự pha trộn, tiếp biến, giao thoa văn hóa. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng phong phú. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới- đô thị cổ Hội An trong thời gian qua về cơ bản đạt được những kết quả khả quan, liên tiếp được các tổ chức du lịch uy tín trên thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Tuy nhiên, Hội An vẫn đang đứng trước những thách thức, nguy cơ mới, đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dẫn đến xói lở bờ biển, ngập úng. Bên cạnh đó, nguy cơ cháy nổ do quá tải trong hoạt động phục vụ du lịch trong khu phố cổ; áp lực dân số, mật độ và thành phần dân cư cùng những tác động mặt trái của đô thị hóa ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của di sản văn hóa, cảnh quan môi trường sống và di tích.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nhận định. những kết quả trong việc bảo tồn và phát huy di sản cũng như những nguy cơ thách thức hiện hữu của đô thị cổ Hội An cũng chính là tình trạng phổ biến của các đô thị cổ khác trên thế giới. Do đó, cần sự chung tay, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị di sản trong nước và trên thế giới; cùng sự tham vấn, góp ý của các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước trong công tác bảo tồn để phát huy tốt hơn nữa giá trị các đô thị cổ di sản của thế giới.
Phố cổ Hội An về đêm |
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Vinh Quang, Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam cho biết, hiện các đô thị di sản trên thế giới đang chịu tác động mạnh, áp lực lớn như: thiên tai, áp lực về kinh tế, đô thị hóa, dân cư dẫn đến ô nhiễm môi trường. Những vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững tại các đô thị, trong đó có Hội An.
Hội An là một cảng thị truyền thống của Chămpa từ thời Trung đại. Đến thế kỷ 17, với chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Hội An là thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ, là cơ sở trọng yếu về kinh tế và đối ngoại của các Chúa Nguyễn gần 3 thế kỷ. Trong lòng đô thị Hội An còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc cổ như nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ... vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của người Việt, vừa thể hiện sự giao lưu, hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây.
Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Nhật Bản. Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Với giá trị tiêu biểu về văn hóa, ngày 04 tháng 12 năm 1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới.