Chiều 7/9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị đánh giá, tuyên dương công tác bảo tồn phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn qua 20 năm được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Thông tin tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 1999 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, các di tích tại Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đã liên tục được trùng tu, tu bổ. Nhiều di tích có nguy cơ sụp đổ được thực hiện tu bổ khẩn cấp.
Để phát huy giá trị của Đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện gắn bảo tồn di tích với bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, phát triển du lịch sinh thái và gắn với những di sản văn hóa phi vật thể Quảng Nam. Hàng loạt sản phẩm du lịch đã ra đời như “phố đi bộ”, “phố không có tiếng động cơ xe máy”, trải nghiệm làm nông dân Trà Quế, làm ngư dân Cù Lao Chàm, hình thành các chợ đêm du lịch; hoạt động giải trí tại Hội An được gắn với văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian như hội thi hợp xướng quốc tế, lễ hội văn hóa “Việt – Nhật”… bước đầu hình thành được một số tour du lịch làng nghề, du lịch sinh thái.
Tại khu đền tháp Mỹ Sơn, nhiều sản phẩm du lịch mới cũng được hình thành, đặc biệt gắn với việc phôi phục văn hóa người Chăm như biểu diễn ngay tại khu vực tháp Chăm, phục vụ du khách ẩm thực người Chăm, các sản phẩm lưu niệm cũng gắn với văn hóa đặc trưng của người Chăm.
Còn tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân tỉnh Quảng Nam nói chung, TP. Hội An nói riêng, đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm cả trên và dưới nước, vùng đệm được bảo tồn và giữ được cơ bản nguyên vẹn.
Du khách tham quan sản phẩm làng nghề truyền thống Quảng Nam tại Hội An |
Phát biểu tại hội nghị, ông Micheal Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, Quảng Nam là một đối tác đặc biệt của UNESCO tại Việt Nam, kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại Quảng Nam có giá trị rất lớn đối với bạn bè quốc tế. Tại Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng, các giá trị di sản được quan tâm và ưu tiên ngay cả khi có sự xuất hiện của UNESCO, xuất phát từ việc các di sản gắn liền với chiều dài lịch sử. Thời gian tới, UNESCO sẽ có những hỗ trợ nhiều hơn cho công tác truyền thông về các di sản tại Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng để truyền đi thông điệp “di sản văn hóa có thể đóng vai trò quan trọng để phát triển bền vững và di sản phát triển có thúc đẩy, cộng hưởng lẫn nhau, chứ không phải đối đầu với nhau”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – ông Trần Văn Tân cho rằng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An đã đưa lại những kết quả tích cực và kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, dịch vụ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.
Vinh danh 13 nghệ nhân ưu tú có những đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Quảng Nam |
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã trao tặng Danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" cho 13 nghệ nhân ưu tú có những cống hiến, đóng góp xuất sắc trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản tại Quảng Nam. Ngoài ra, 5 tập thể và 6 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ ngoại giao, UBND tỉnh Quảng Nam gửi thư cảm ơn đến nhiều cá nhân và tổ chức có những đóng góp xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy di sản Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn trong 20 năm qua và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An trong 10 năm qua.