Bất chấp nắng nóng, phố cổ Hội An vẫn chật kín người trong dịp lễ 30/4 và 1/5 Thừa Thiên Huế phản hồi việc đăng sai hình ảnh Đại Nội trong quảng bá tour du lịch |
Trùng tu từ “cổ kính” thành “hiện đại”?
Sau 400 năm tồn tại, ít nhất 7 lần trung tu, di tích Chùa Cầu (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) vẫn xuống cấp nghiêm trọng và cấp thiết phải được trùng tu tổng thể, tháng 12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ.
Hình ảnh Chùa Cầu Hội An trước khi tu bổ (Ảnh:H.T) |
Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng kinh phí 20 tỷ đồng, do UBND TP. Hội An làm chủ đầu tư. Nguồn vốn 50% ngân sách của tỉnh Quảng Nam và 50% từ ngân sách TP. Hội An.
Theo UBND TP. Hội An, với quan điểm và giải pháp tu bổ xuyên suốt dự án là giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.
Sau hơn 19 tháng triển khai thi công, cuối tháng 7/2024, công tác tu bổ hoàn thành, và Chùa Chầu tái xuất hiện trước công chúng và nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Trên mạng xã hội, tại nhiều diễn đàn, hội nhóm về Hội An, Quảng Nam đã “nổ” ra cuộc tranh luận Chùa Cầu sau đại trùng tu là đẹp hay xấu.
Nhiều ý kiến bày tỏ vui mừng sau khi Chùa Cầu được tu bổ sẽ an toàn hơn và đẹp hơn. Chị Nguyễn Trâm cho rằng “An toàn là trước hết. Chứ cũ mục rồi nguy hiểm cho người đi”. Du khách Ian Harty cũng nhận xét “Thật tuyệt khi thấy 2 bên bờ sông Chùa Cầu được làm sạch. Nhìn Chùa Cầu đẹp hơn”….
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến khen, Chùa Cầu sau đại trùng tu nhận về không ít ý kiến cho rằng việc trùng tu làm mất đi nét cổ kính, rêu phong và nhìn có vẻ mang tính hiện đại, xây mới. “Giống như xây mới nhỉ, không còn thấy nét nào của cổ kính, di sản ở đây nữa…”, tài khoản Thành Chí ý kiến. “Xấu, không giữ được nét đẹp cổ xưa, chê”, tài khoản Quyên Nguyễn ý kiến.
Chùa Cầu sau đại trùng tu |
Lãnh đạo TP. Hội An nói gì?
Thông tin đến báo chí, ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay, Di tích Chùa Cầu đã trải qua hơn 400 năm tồn tại (từ 1593). Việc trùng tu nhằm cố gắng để bảo vệ di tích, giữ được cái nguyên bản, tuy nhiên, những phần vôi vừa đã mốc thì không giữa lại được. “Quan trọng là kết cấu, kiểu thức, hình dáng… phải tuân thủ nghiêm ngặt yếu tố nguyên gốc và yếu tố lịch sử trong nguyên tắc trùng tu”, ông Lanh nói.
Theo đại diện UBND TP. Hội An, việc tu bổ Chùa Cầu được thực hiện trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu - chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ, bài bản, khoa học từ khâu chuẩn bị dự án đến các giải pháp tổ chức và kỹ thuật thi công tu bổ di tích. Nhất là việc tiếp tục thu thập, nghiên cứu thông tin, tư liệu; thám sát địa tầng, phân tích dấu vết kiến trúc qua các thời kỳ; tham vấn chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân đối với những vấn đề phát hiện mới, vướng mắc nảy sinh;… luôn được chú trọng thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình thi công tu bổ.
Từ từng thanh đá, khối xây viên gạch ngói; từ cấu kiện gỗ hệ khung - dầm - sàn - rui mái đến từng chi tiết con ke, ván vách; từ con giống, đoạn bờ mái đến từng chi tiết hoa văn gốm, đĩa cổ;… đều được xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, nghiên cứu bóc tách các thành phần hư hỏng, cố gắng giữ lại tối đa có thể những thành phần còn tốt, sử dụng kỹ thuật thi công truyền thống kết hợp các loại vật liệu, hóa chất hiện đại để gia cố, gia cường sự chắc chắn để tận dụng lắp dựng lại. Điều này được phản ánh một cách cụ thể, chân xác qua những số liệu thống kê sau: Có đến gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái,… được gìn giữ, tái định vị tại di tích sau khi tu bổ.
Về yếu tố cổ kính, theo UBND TP. Hội An, màu sắc hoàn thiện sau tu bổ của Chùa Cầu được quyết định giữ nguyên màu hiện trạng của tất cả cấu kiện gỗ, bao gồm cả những chi tiết chạm khắc trang trí, hoành phi, liễn đối, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện hay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên, không can thiệp về màu sắc.
Riêng đối với phần tường và chi tiết trang trí trên mái cần phải được phục hồi, bởi hiện trạng gần như đã phai màu hoàn toàn, trong khi cấu trúc vật liệu của chúng đều được làm từ gạch ngói, vữa vôi phần lớn đã bị mục mủn, mất liên kết nên phải được thay thế hoặc gia cố chắp vá để tận dụng.
Về màu sắc của mái Chùa Cầu được tu bổ, phục hồi dựa theo một số rất vị trí hiện tồn màu sắc nguyên trạng, kết hợp với kết quả nghiên cứu, khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia qua các lần tham vấn, tọa đàm.
Việc phục hồi màu sắc, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần “mới” ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích phù hợp với bản chất vốn có của di tích.
Theo thời gian, Chùa Cầu lại trở về với nét cổ kính, trầm mặc như đã từng trải qua trong lịch sử sau những lần trùng tu.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An: Tất cả các màu đó đều là màu gốc đã được nghiên cứu. Khi mới sơn nó phải mới thôi, nhìn có lạ so với trước đây nhưng chỉ qua một mùa mưa gió thôi nó sẽ trở lại màu như cũ. Đánh giá tổng quan, công trình đã thực hiện đảm bảo đúng hồ sơ giấy phép, đảm bảo nguyên tắc trùng tu, đem đến sự bền vững cho di tích. Đó là yếu tố quan trọng nhất và giữ được các yếu tố gốc tối đa nhất. |