Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 4 Hạ tầng giao thông: Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam |
Doanh nghiệp lớn cũng thiếu đơn hàng
Thời điểm này năm ngoái, dù mới “vực dậy” sau khó khăn nhưng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may ở khu vực phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, hay Bà Rịa- Vũng Tàu vẫn dồi dào. Tuy nhiên năm nay thì ngược lại bởi đến nay nhiều doanh nghiệp đã “cạn” đơn hàng.
Đơn cử như tại Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có gần 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, và hầu hết đều ghi nhận kim ngạch giảm sút do thiếu đơn hàng. Chẳng hạn như Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam hiện mỗi tháng chỉ xuất khẩu khoảng 3.000 tấn sản phẩm sợi các loại, giảm 50% so với cùng kỳ.
Điều đáng lo ngại là do khó khăn về đơn hàng đã dẫn đến tình trạng người lao động thiếu việc làm, khó giữ chân 1.700 lao động. Mặc dù công ty đã và đang tìm cách khắc phục theo hướng không sa thải công nhân, nhưng sẽ giãn giờ làm để duy trì lực lượng lao động, chờ thị trường phục hồi.
Các doanh nghiệp đang tìm nhiều cách để duy trì sản xuất chờ thị trường phục hồi |
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, trong quý I/2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm trên 8% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Kể từ tháng 4/2023 tới nay tình hình vẫn chưa có triển vọng tốt hơn, nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt đơn hàng.
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư- Thương mại Thành Công (TCM)- chia sẻ rằng, chưa có năm nào ngành may khó khăn như năm nay bởi đơn hàng ít và thời gian ký ngắn. “Nếu như năm ngoái, tình trạng khó khăn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp quy mô nhỏ và doanh nghiệp lớn vẫn có đơn hàng, sau đó phân phối lại cho doanh nghiệp nhỏ thì nay ngay cả doanh nghiệp lớn cũng khó và không có đơn hàng đủ để làm”- ông Tùng cho biết.
Cũng như dệt may, xuất khẩu thủy sản tháng 4/2023 tiếp tục sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 810 triệu USD. Hiện tại theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.
Nguyên nhân xuất khẩu giảm được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại các nước này suy giảm, nhu cầu nhập khẩu thủy sản giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng dời lại, khiến lượng hàng tồn kho nhiều. Việc xuất khẩu giảm khiến dòng tiền chậm về.
Với các ngành khác như gỗ, da giày hay nhựa, cao su… tình cảnh cũng không khá khẩm hơn và đa phần doanh nghiệp đang chịu cảnh “ăn đong” đơn hàng để duy trì việc làm.
Tái cơ cấu, vực dậy sản xuất
Để ứng phó với khó khăn, hầu như các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu. Trong đó, với dệt may, ông Trần Như Tùng cho biết, ngoài việc chủ động tiếp cận khách hàng ở thị trường mới thì gần đây doanh nghiệp đang xoay sở bằng cách giảm giờ làm; đồng thời với những chi phí không cần thiết sẽ cắt bỏ để tiết kiệm và duy trì hoạt động chờ thị trường hồi phục.
Thực tế, không riêng dệt may mà theo chia sẻ chung từ doanh nghiệp hoạt động ở các ngành thủy sản, gỗ và da giày, mục tiêu trong nửa đầu năm 2023 của doanh nghiệp là hoà vốn. Đồng thời, để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều công ty ngoài cắt giảm tối đa các chi phí cũng tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi.
Đặc biệt, thời gian này, các nhà máy cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, đây chỉ là giải pháp tình thế trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, các doanh nghiệp cho rằng Nhà nước cần có những chính sách để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn với dệt may, ông Trần Như Tùng cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hóa dệt may như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất...; Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là khâu vải hoàn tất.
Đối với ngành da giày, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày - Túi xách Việt Nam đề xuất, cần tập trung giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc giảm bớt chi phí về nhân công.
Lý giải cụ thể, ông Kiệt cho biết, hiện lương tối thiểu tăng cao (đang ở mức trên 8 triệu/ đồng/ người tháng) nên các khoản chi phí về bảo hiểm là một con số rất lớn mà doanh nghiệp phải đóng cho công nhân. Do đó, cần nghiên cứu giảm chi phí này để giảm áp lực cho doanh nghiệp (các nước xung quanh tỷ lệ đóng bảo hiểm cho công nhân chỉ khoảng 15%, còn ở Việt Nam khoảng 32%).
Bên cạnh những giải pháp trên, các doanh nghiệp dệt may, da giày, gỗ, thủy sản… đều nhất trí rằng, phải tăng cường hơn nữa các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại, tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại song phương, đa phương để nhằm tìm kiếm khách hàng.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” tổ chức ngày 25/4 ở TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại… làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng, thông qua việc tổ chức các cuộc giao ban định kỳ giữa các Thương vụ với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn trong nước, cũng như đại diện các địa phương trong nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu cần đổi mới nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm khai thác và thúc đẩy các chuỗi cung ứng, lưu thông, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là những chính sách và động thái chính sách mới của các nước để có thông tin và tham mưu cho cấp có thẩm quyền, tư vấn cho Hiệp hội ngành hàng, cho các doanh nghiệp có những phản ứng chính sách phù hợp.